Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP nhận được nhiều ý kiến đóng góp khách quan

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 21:42, 12/08/2022

Sau 12 năm thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đến nay, nhiều nội dung của nghị định không còn phù hợp, chưa bao quát, điều chỉnh hết các vấn đề trong thực tiễn quản lý đặt ra, cần xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP để giải quyết các vấn đề đang vướng mắc trong thực tiễn quản lý hội.
du.jpg
Hội thảo góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Chiều 12/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 45/2010/NĐ-CP).

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, sau 12 năm thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đến nay, nhiều nội dung của nghị định không còn phù hợp, chưa bao quát, điều chỉnh hết các vấn đề trong thực tiễn quản lý đặt ra. Cần xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP để giải quyết các vấn đề đang vướng mắc trong thực tiễn quản lý hội; có đủ căn cứ pháp lý xử lý các sai phạm trong tổ chức, hoạt động của hội; đổi mới và nâng cao phương thức hoạt động của hội theo hướng tự chủ, tự quản; từng bước xóa bỏ xu hướng “hành chính hóa”; giảm bớt gánh nặng của ngân sách, chỉ hỗ trợ nguồn lực, kinh phí theo các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.

Thực hiện nhiệm vụ được giao và căn cứ Kết luận số 158-TB/TƯ ngày 2-1-2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP gồm 8 chương, 50 điều với nhiều nội dung mới thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội quần chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hội trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; bảo đảm tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá bản dự thảo được xây dựng công phu, bao quát, cơ bản đã giải quyết được những vấn đề bất cập của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP trước đây. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến góp ý như đề nghị các hội tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Liên hiệp Hội Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của nghị định này…

Kết luận hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng hoan nghênh các ý kiến đóng góp thẳng thắn, khách quan nhằm góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ để sớm ban hành.

P.V