Bắc Ninh kiên quyết giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:30, 13/10/2021
Theo thông tin, hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê, đúc nhôm chì Văn Môn, sản xuất sắt thép tái chế Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, làm bún Khắc Niệm… Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đã góp phần quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ mang tính thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải đồng bộ.
“Báo động đỏ” ô nhiễm làng nghề sản xuất giấy
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm Công nghiệp Phú Lâm, (huyện Tiên Du) và Cụm Công nghiệp, cơ sở sản xuất giấy ở phường Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) đã diễn ra trong nhiều năm, có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất được đổ ven đê sông Ngũ Huyện Khê, các khu vực đất trống (khối lượng tồn đọng khoảng trên 30.000 tấn); khí thải của hơn 320 lò hơi không được xử lý triệt để gây ô nhiễm không khí; các cơ sở sản xuất xả nước thải (khoảng trên 20.000 m3/ngày đêm ) không qua xử lý ra các kênh, cống rãnh, ao hồ, đồng ruộng xung quanh sau đó chảy ra sông Ngũ Huyện Khê và chảy vào Sông Cầu gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh.
Tình trạng ô nhiễm của làng nghề Phong Khê ở trình trạng báo động
Tại phường Phong Khê hiện có tổng diện tích đất sản xuất kinh doanh khoảng 39,05 ha. Trong đó CCN Phong Khê I có diện tích khoảng 9,23 ha; CCN Phong Khê II có diện tích khoảng 16,17 ha; trong khu dân cư có diện tích khoảng 13,65 ha. Tình hình vi phạm pháp luật đất đai khá phức tạp, tồn tại từ khi còn thuộc huyện Yên Phong cho đến nay. Các sai phạm tập trung ở việc sử dụng sai mục đích trên đất ở, đất nông nghiệp, đất cây xanh, đất giao thông… Qua nhiều năm, các doanh nghiệp tự hoán đổi diện tích, thu gom đất phục vụ cho việc xây dựng, nâng cấp nhà xưởng, đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất kiên cố và có giá trị lớn.
Toàn phường có 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy đang hoạt động (73 cơ sở hoạt động tại CCN Phong Khê I; 59 cơ sở hoạt động tại CCN Phong Khê II; 194 cơ sở nằm trong khu dân cư Dương Ô, Đào Xá, Châm Khê) và khoảng gần 1.000 cơ sở kinh doanh phụ trợ cho ngành tái chế giấy phế liệu. Hiện tại, qua kiểm tra của cơ quan chức năng chỉ có 52 cơ sở tại CCN Phong Khê I có hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; 05 cơ sở đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; 28 cơ sở tại CCN Phong Khê II có hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; 01 cơ sở đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Cụm Công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du có diện tích đất khoảng 24,6 ha (diện tích CCN cũ khoảng 19,5 ha và diện tích mở rộng khoảng 5,1 ha). Hiện nay có 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động (26 cơ sở sản xuất giấy, 03 cơ sở bán hơi, 03 cơ sở tái chế nhựa); có 20 cơ sở đã được phê duyệt hồ sơ môi trường và 04 cơ sở được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; có 21 cơ sở vi phạm pháp luật về đất đai (13 cơ sở sản xuất trong CCN lấn chiếm đất hành lang để Ngũ Huyện Khê, đất cây xanh, đất mặt nước chuyên dùng và 08 cơ sở lấn chiếm đất nông nghiệp, không thuộc quy hoạch của CCN Phú Lâm).
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Đây là quan điểm chỉ đạo nhất quán của tỉnh trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội. Năm 2019, tỉnh Bắc Ninh xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025, được Tỉnh ủy thông qua, HĐND tỉnh ra Nghị quyết lấy Chủ đề năm 2019 là năm “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” và thực hiện liên tục các năm tiếp theo.
Các doanh nghiệp ở Phong Khê vô tư xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất giấy ở Phong Khê, Phú Lâm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng xử lý quyết liệt, đồng bộ các vi phạm, sai phạm theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn nhằm vừa bảo đảm ổn định sản xuất của người dân, doanh nghiệp, vừa giữ vững tình hình an ninh nông thôn.
Tại Cụm Công nghiệp Phú Lâm: tiến hành kiểm tra 28 cơ sở sản xuất, trong đó: 18 cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính về môi trường. Tổng số tiền phạt là: 4.963.800.000 đồng; áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ đối với 14 cơ sở sản xuất, đến nay có 05 cơ sở được tháo niêm phong và vận hành thử nghiệm. Tại Phường Phong Khê: Kiểm tra 326 cơ sở, trong đó đã xử lý vi phạm hành chính đối với 55 cơ sở. Tổng số tiền xử phạt đến nay là 13.497.500.000 đồng (Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 38 Quyết định xử phạt với tổng số tiền là: 12.282.500.000 đồng, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 10 Quyết định xử phạt với tổng số tiền là: 850.000.000 đồng, Công an tỉnh ban hành 07 Quyết định xử phạt với tổng số tiền là: 365.000.000 đồng), áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ đối với 45 cơ sở sản xuất. Đây là con số xử phạt cao kỷ lục trong lĩnh vực môi trường từ trước đến nay lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh ra quyết định.
Đối chiếu với hệ thống Luật: Đất đai, Môi trường, Phòng cháy chữa cháy, Xây dựng…các vi phạm ở Phong Khê và Phú Lâm đều ở mức đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ, hoàn trả nguyên trạng mặt bằng. Thông qua công tác tuyên truyền từ các Đoàn công tác của tỉnh, thành phố Bắc Ninh và huyện Tiên Du, cơ bản các Doanh nghiệp chủ động có biện pháp khắc phục, cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp chưa chấp hành, có hiện tượng làm hệ thống xử lý môi trường chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra; Đặc biệt là tình trạng cơ sở sản xuất lén lút hoạt động vào ban đêm, tự tháo niêm phong hoạt động gây bức xúc trong nhân dân và các cơ sở sản xuất khác.
Trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng các doanh nghiệp, trong nhiều buổi làm việc tại UBND tỉnh cũng như trực tiếp tại làng nghề, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải nhắc đi nhắc lại yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết mạnh mẽ, rõ ràng và phải “Làm thật” việc xử lý nước thải, rác thải, khói bụi gây ô nhiễm, tuyệt đối không được làm mang tính đối phó, UBND tỉnh Bắc Ninh kiên quyết xử lý ở mức độ cao nhất đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm, không có vùng cấm, ngoại lệ. Yêu cầu các cơ sở vi phạm nhanh chóng tháo dỡ công trình lấn chiếm hành lang đê điều, đường giao thông, đường sắt. Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với các cơ quan liên quan sớm bổ sung, hoàn thiện các biện pháp bảo vệ môi trường, đưa ra những cơ chế, chính sách mang tính căn cơ, bài bản, lâu dài, bám sát tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao, theo lộ trình phù hợp, tiến tới giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường làng nghề. Tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Không chấp nhận việc đánh đổi môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân lấy kinh tế.
Trên thực tế, sau gần 4 tháng tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm Công nghiệp Phú Lâm và phường Phong Khê có chuyển biến tích cực. Các Doanh nghiệp có ý thức thực hiện công tác bảo vệ môi trường và đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý khí thải, khu lưu giữ chất thải rắn; Đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp, cống rãnh được khơi thông. Toàn bộ đường ống khai thác nước mặt sông Ngũ Huyện Khế không phép và các đường ống xả thải ra sông được tháo dỡ. Số lượng lò hơi giảm xuống còn khoảng 70 lò và đang tiếp tục giảm do doanh nghiệp mua hơi thương phẩm phục vụ sản xuất. Rác thải được thu gom và xử lý hàng ngày. Môi trường không khí trong lành, chất lượng nước tại sông Ngũ Huyện Khê được cải thiện rất nhiều. Hiện nay, nước thải ra sông Ngũ Huyện Khê đạt loại B1 theo quy chuẩn QCVN 08:2015/BTNMT, các sinh vật thủy sinh đã sinh sống và phát triển tốt.
Bảo vệ môi trường- Nền tảng phát triển bền vững
Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu xử lý cơ bản được tại phường Phong Khê và Cụm Công nghiệp Phú Lâm bằng chủ trương: Tất cả các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo 3 yếu tố. Nước thải được xử lý tuần hoàn 100% và không có nước thải ra môi trường. Mua hơi thương phẩm và phá bỏ toàn bộ lò hơi, ống khói. Rác thải, phế liệu được tập kết đúng quy định và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý. Tất cả các cơ sở sẽ được gắn quan trắc online để theo dõi và gửi thông tin, số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND thành phố và huyện Tiên Du.
Dòng sông Ngũ Huyện Khê đã xanh trong trở lại
Nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, trả nợ vốn vay, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm thiểu nguy cơ phá sản, đổ vỡ chuỗi cung ứng sản phẩm, (trên thực tế, thiệt hại kinh tế của Doanh nghiệp cũng là thiệt hại của tỉnh), UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường trong Cụm công nghiệp mà không có hành vi lấn chiếm hành lang giao thông, công trình thủy lợi sẽ được vận hành thử nghiệm. Chỉ khi có thông báo đạt yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường và ký cam kết không tái phạm, vi phạm xả thải ra môi trường mới được vận hành chính thức. Đối với cơ sở sản xuất trong khu dân cư, xây dựng trái phép, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục địch giao UBND thành phố và huyện Tiên Du chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trên tinh thần công bằng, công khai, minh bạch và không có ngoại lệ.
Tỉnh Bắc Ninh đang trên lộ trình xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Việc hạn chế, di dời, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành là một yêu cầu bắt buộc. Theo đề án xử lý môi trường đối với phường Phong Khê và Cụm Công nghiệp Phú Lâm mà UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí thông qua, đối với Doanh nghiệp trong Cụm Công nghiệp chỉ hoạt động đến ngày 31-12-2029; Doanh nghiệp trong khu dân cư, Doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích chỉ hoạt động đến 31-12-2024. Nếu Doanh nghiệp nào tái phạm sẽ đình chỉ vĩnh viễn.
Với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, căn cơ, phù hợp thực tiễn cơ sở, tỉnh Bắc Ninh vừa đáp ứng nguyện vọng của cả người dân và doanh nghiệp, vừa giải quyết căn bản công tác bảo vệ môi trường, tránh tạo ra lên điểm nóng an ninh nông thôn. Tuy nhiên, đây mới là thành quả ban đầu. Muốn thực hiện tốt quyết tâm chính trị “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” cần phải có những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường cấp bách, xử lý tổng thể, bài bản, căn cơ và toàn diện vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, Cụm Công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ căn bản xử lý xong những điểm “nhức nhối” về môi trường, đưa Bắc Ninh phát triển hài hòa theo hướng bền vững, cơ bản đáp ứng các tiêu chí xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.
Hà Anh