Cồn Cỏ - Quảng Trị: Hòn đảo xanh giữa Biển Đông

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 12:00, 14/08/2022

Cồn Cỏ là một hải đảo có hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng. Nhìn từ xa, Cồn Cỏ như một hòn đảo xanh giữa Biển Đông.
con-co-1.jpg
Cồn Cỏ - Hòn đảo xanh giữa Biển Đông, mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Cồn Cỏ là hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam XHCN thuộc vùng biển Quảng Trị. Nơi đây có vị trí địa lý hết sức đặc biệt được xem là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ - Cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ - là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Là huyện đảo duy nhất trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý; diện tích tự nhiên là 230 ha; có trên 60% là rừng tự nhiên. Hiện tại đảo Cồn Cỏ có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú với hơn 5.300 ha khu vực quanh đảo được bảo vệ và bảo tồn. Nhìn từ xa, Cồn Cỏ như một hòn đảo xanh giữa Biển Đông.

Phát huy tiềm năng sẵn có, huyện đảo Cồn Cỏ chăm lo bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan tự nhiên

Cồn Cỏ là một hải đảo có hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng. Được hình thành bởi hoạt động kiến tạo của núi lửa giữa biển khơi, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò điệp, cát... nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định (không tháng nào xuống dưới 210C) cho phép mùa tắm kéo dài.

con-co-2.jpg
Đảo có diện tích tự nhiên 230 ha, trong đó trên 60% là rừng tự nhiên, tạo thành thảm thực vật phong phú và đa dạng.

Đảo Cồn Cỏ có hình dạng tương đối tròn, diện tích khoảng 4km², chu vi 8km, độ cao từ 5 - 30m so với mặt nước biển, riêng giữa đảo có một đỉnh đồi nhô lên với chiều cao 63m. Cách đất liền chưa đến 30km, đảo Cồn Cỏ trong những năm gần đây được biết đến như một hòn đảo xanh thu hút nhiều lượt du khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Chỉ gần 2 giờ đồng hồ trên tàu ra biển, du khách đã có thể đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp này.

con-co-3.jpg
Hệ thống hạ tầng khang trang, sạch đẹp được đầu tư rất thân thiện với môi trường.

Tuy hòn đảo có diện tích nhỏ nhưng rừng, đồi chiếm đến ¾ tổng diện tích của đảo, ở đây đều là rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì thế, không hề lạ khi trên đảo Cồn Cỏ lại có hệ thực vật vô cùng đa dạng, có cả những loài cây lạ mà trong đất liền không có, đặc biệt là cây bàng vuông có niên đại hàng trăm năm, phủ một màu xanh mướt. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng trên đảo là hệ sinh thái rừng khá hiếm của đảo núi lửa ở Việt Nam được gìn giữ và bảo vệ tốt. Khí hậu trên đảo trong lành, mát mẻ, không bị ô nhiễm. Rừng Cồn Cỏ có vị trí hết sức quan trọng đối với hệ môi trường sinh thái với các chức năng: Chắn gió; điều tiết nguồn nước; che phủ và phòng hộ. Ngoài các ý nghĩa trên, rừng Cồn Cỏ hội đủ các yếu tố về cảnh quan, môi trường cho hoạt động du lịch, sinh thái.

con-co-4.jpg
Cột cờ Tổ quốc sừng sững hiên ngang trên đảo đánh dấu chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Khi đặt chân lên đảo, chúng tôi thật ấn tượng với bạt ngàn những cây dừa, rũ bóng xung quanh đảo. Theo lãnh đạo huyện, vào năm 1989, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã mang ra đảo 4000 cây dừa để trồng và chăm sóc. Số lượng 4000 cây dừa này cũng chính là tượng trưng cho 4000 năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đến tận bây giờ, những hàng dừa vẫn hiên ngang đứng vững trên hòn đảo này theo năm tháng như lời ca hùng hồn về truyền thống dân tộc cũng như tinh thần bất khuất của quân và dân Quảng Trị.

Bên cạnh bạt ngàn cây xanh của rừng, nhiều giống cây ăn quả, rau xanh, cây cảnh, hoa lá… cũng được trồng tươi tốt nhờ bàn tay chăm sóc của các chiến sĩ, cán bộ và người dân trên đảo. Tất cả tạo nên một hòn đảo xanh và tươi đẹp giữa Biển Đông.

con-co-5.jpg
02 trạm viễn thông của Vinaphone và Viettel, Đài Phát thanh Truyền hình, Trạm đèn biển, trạm khí tượng, trạm ra đa được đầu tư trên đảo.

Cồn Cỏ là nơi khá đa dạng về sinh học, ngoài thực vật phong phú, động vật trên đảo cũng khá độc đáo. Trên thảm thực vật của rừng tự nhiên những đàn chim én, chim cu cườm bay lượn giữa nền trời xanh rộng lớn. Dưới đất có các loài rắn lục, biển có loài rắn biển, hải sâm đen, trắng là món ăn bổ dưỡng được xếp ngang hàng với yến sào. Các loại rong biển như rong nho, tảo biển được mọc tự nhiên rất nhiều quanh đảo. Khi về với đảo Cồn Cỏ có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to bằng gang tay rất ngon và bổ dưỡng, ngoài ra còn có loài hàu biển chỉ duy nhất có tại đây. Hàu biển của đảo Cồn Cỏ hay còn gọi là “hàu răng cưa khổng lồ”, nó có hình dạng lớn hơn rất nhiều lần so với hàu ở những vùng biển khác, chắc thịt, thơm và ngon hơn. Để bắt được hàu, ngư dân đảo Cồn Cỏ phải lặn sâu hai ba chục mét so với mực nước biển.

con-co-6.jpg
Nhiều cây bàng vuông có tuổi thọ hàng trăm tuổi vẫn xanh mướt, hiên ngang trên đảo.

Đảo Cồn Cỏ được biết đến với sự xuất hiện nhiều rạn san hô nguyên thủy. Rạn san hô ở Cồn Cỏ có độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn chỉ sau đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Hòn Mun (Khánh Hòa). Hiện ở đây có tới 109 loài san hô, trong đó có nhiều loại quý hiếm mà đặc biệt là san hô đỏ và san hô đen. Hiện nay, tổ chức bảo tồn biển Việt Nam và quốc tế đang đưa Cồn Cỏ vào danh mục ưu tiên thực hiện “Dự án bảo tồn biển”. Ngày 14/10/2009 UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định số 2090/QĐ-UBND về việc thành lập khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ với tổng diện tích 4.532 ha theo loại hình bảo tồn loài, sinh vật cảnh gồm hệ sinh thái rạn san hô và các loài động, thực vật biển quý hiếm. Đây chính là điều kiện thuận lợi, tạo lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái biển.

con-co-7.jpg
“Giếng Muội cổ” một trong những giếng cung cấp nước ngọt trên đảo.

Trao đổi với PV Moitruong.net.vn ông Võ Việt Cường - Bí Thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết “Huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập vào năm 2004, là huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, có điểm A11 là đường cơ sở, phân chia Vịnh Bắc Bộ. Là huyện đảo duy nhất trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý; diện tích tự nhiên là 230 ha; có trên 60% là rừng tự nhiên; có 19 hộ dân với 75 nhân khẩu; CBCS và Nhân dân trên đảo hơn 500 người. Đảo có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú với hơn 5.300 ha khu vực quanh đảo được bảo vệ và bảo tồn. Đảo Cồn Cỏ là khu vực có địa hình cảnh quan đẹp, hệ sinh vật rừng và biển đa dạng. Xác định tầm quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy cảnh quan hệ sinh thái vốn có, Đảng bộ chính quyền và Nhân dân huyện đảo quyết tâm phát huy sức mạnh khối đoàn kết dân tộc, tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội mà trọng tâm là du lịch – dịch vụ; giữ gìn bảo vệ tài nguyên môi trường; nâng cao đời sống cán bộ chiến sỹ và Nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Phát huy lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch sinh thái rừng và biển... những loại hình du lịch đang thu hút được đông đảo du khách”.

Xây dựng, đổi mới, không ngừng phát triển

Những năm gần đây, với sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, Đảo Cồn Cỏ đang từng bước thay da đổi thịt và ngày một phát triển đi lên. Trong thời kỳ đổi mới, Huyện đảo Cồn Cỏ đã xác định mục tiêu cơ cấu kinh tế trọng tâm là du lịch - dịch vụ; phát triển thủy sản và các ngành hỗ trợ đảm bảo đồng bộ phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia trong tình hình mới. Bên cạnh đó chính quyền địa phương cùng người dân trên đảo rất quan tâm trong việc chăm lo bảo vệ môi trường.

con-co-8.jpg
Du khách thích thú đắm mình cùng thiên nhiên với bạt ngàn cây xanh

Hiện tại toàn đảo có 19 hộ dân với 75 nhân khẩu; CBCS và Nhân dân trên đảo trên 500 người, hàng năm thu hút hàng ngàn lượt du khách ra đảo tham quan và nghỉ dưỡng. Nhằm phát triển kinh tế xã hội kết hợp bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, huyện đảo đã tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay bên cạnh việc rà soát bổ sung Quy hoạch tổng thể KT-XH, huyện đã hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch chi tiết du lịch; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính - dân cư; Quy hoạch các tuyến đường giao thông trên đảo theo định hướng xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch làm cơ sở, tiền đề cho công tác đầu tư và quảng bá kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Trong quá trình triển khai các đề án quy hoạch, huyện đã tranh thủ được sự tham gia tư vấn của các chuyên gia nước ngoài, tư vấn chuyên ngành của các Bộ, ngành chức năng, sự tham gia nghiên cứu của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học của các trường Đại học lớn trong cả nước và các cơ quan quân sự địa phương.

con-co-9.jpg
“Ốc mặt trăng” một trong những loài hải sản độc đáo, thơm ngon được ngư dân đảo khai thác bán cho du khách.

Nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như hệ thống âu tàu cảng cá; kè chống xói lở Bến Tranh; các tuyến đường giao thông như tuyến đường chủ đạo chạy quanh đảo dài 5km, tuyến T2, N5, T1B trong khu trung tâm hành chính đã được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và phục vụ du lịch. Năm 2009 huyện đã đầu tư xây dựng 01 trạm cấp điện tập trung bằng động cơ diezel có tổng công suất 132KVA- 0,4KV với 02 máy công suất 66 KVA. Công trình đã được đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm 2009 tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Trên đảo có một số giếng khoan có nước ngọt tuy nhiên về lâu dài không đủ để cung cấp cho nhu cầu toàn đảo. Hiện tại để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngọt của cán bộ chiến sỹ và bà con cũng như khách du lịch, Huyện đảo đang tiến hành đầu tư giai đoạn 2 hệ thống cấp nước sinh hoạt “lọc nước biển thành nước ngọt” với tổng mức đầu tư 17 tỷ đồng. Dự kiến công trình được hoàn thành vào năm 2023, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng dự án thu gom, dự trữ và cung cấp nước tập trung cho toàn đảo. Hiện trên đảo đã đầu tư 02 trạm viễn thông của Vinaphone và Viettel, Đài Phát thanh Truyền hình, Trạm đèn biển, trạm khí tượng, trạm ra đa.

dao-con-co-10.jpg
Du khách thích thú trải nghiệm bãi đá hoang sơ trên đảo.

Với các yếu tố thuận lợi đó tạo nên một sức hấp dẫn riêng để phát triển du lịch biển đảo Cồn Cỏ với các loại hình như: Tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thám hiểm biển, thể thao biển. Đảo Cồn Cỏ cùng với Cửa Tùng - Cửa Việt được xác định sẽ là vùng động lực phát triển du lịch trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển tổng hợp mang tầm quốc gia.

Với sự chuyển mình đổi mới và phát triển không ngừng, đảo Cồn Cỏ đang là một địa chỉ hấp dẫn du khách đến tham quan và trải nghiệm. Phát huy những tiềm năng lợi thế về một hòn đảo xanh, đa dạng sinh học để đưa phát triển du lịch biển đảo thành thế mạnh trong thế trận quốc phòng bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị nói chung và đảo Cồn Cỏ nói riêng.

Ngọc Trâm – Minh Tâm