Nước sông Dương Tử ở Trung Quốc thấp kỷ lục trong gần 160 năm
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 08:30, 17/08/2022
Tại Hán Khẩu, một điểm quan trắc quan trọng trên sông Dương Tử ở trung tâm thành phố Vũ Hán, mực nước đã giảm xuống 17,54m trong ngày 13.8, thấp hơn khoảng 6m so với trung bình trong những năm gần đây.
Đây cũng là mức nước thấp nhất của con sông lớn nhất Trung Quốc được ghi nhận vào thời điểm này của năm kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi dữ liệu năm 1865 - Science and Technology Daily ngày 15.8 dẫn lời giới chức ứng phó thảm họa địa phương cho hay.
Trong khi đó, 2 hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc - hồ Bà Dương và hồ Động Đình, có kết nối với sông Dương Tử - đã ở mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu ghi nhận năm 1951.
Hồ Bà Dương lớn nhất ở miền đông Trung Quốc, ghi nhận mực nước sâu 12m vào ngày 6.8. Điều đó có nghĩa là hồ Bà Dương đã bước vào mùa khô sớm hơn bao giờ hết kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại, theo Tân Hoa Xã. Như vậy, mùa khô ở hồ Bà Dương đã xảy ra sớm hơn 100 ngày so với mức trung bình của những năm trước.
Nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng tới khoảng 830.000 người và khoảng 640.000 ha đất canh tác trên 6 tỉnh miền nam Trung Quốc trong mùa hè này, Tân Hoa xã thông tin ngày 11.8.
Theo bản tin của Science and Technology Daily, mức nước thấp kỷ lục của sông Dương Tử là do lượng mưa thấp dọc lưu vực sông, lượng chảy từ thượng nguồn giảm cùng nhiệt độ cao hơn làm tăng tốc độ bốc hơi.
Những con sông khác ở Trung Quốc cũng đang khô cạn, bao gồm cả ở Hoài Ninh, phía đông nam tỉnh An Huy, dẫn tới tình trạng thiếu nước ở 8 huyện lân cận, theo trang The Paper. Tại Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Quốc, 7 con sông và 1 hồ chứa nước đã khô cạn, ảnh hưởng tới 276.00 người và 82.400 cá thể động vật, báo cáo ngày 15.8 lưu ý.