An Giang: Sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:30, 18/08/2022
An Giang hiện có 699 tiểu vùng sản xuất, trong đó có 417 tiểu vùng đê bao kiểm soát lũ triệt để với diện tích khoảng 189.000 ha. Vụ thu đông 2022, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 168.869 ha, gồm 154.686 ha lúa và 14.183ha màu. Việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi mùa mưa lũ cũng là bảo vệ thắng lợi vụ thu đông, chuẩn bị tốt cho các vụ sản xuất tiếp theo.
Để chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thấp nhất những thiệt hại lũ, bão gây ra đối với các tiểu vùng đê bao bảo vệ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) An Giang đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đề phòng ảnh hưởng của lũ nội đồng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ, tình hình mưa bão, mực nước lũ ở thượng nguồn do các cơ quan chuyên môn cung cấp. Qua đó, kịp thời thông báo đến người dân chủ động biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa lũ.
Ngành chuyên môn và các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, xác định cụ thể từng tiểu vùng các tuyến đê bao xung yếu, có nguy cơ xảy ra sự cố khi lũ lên. Đồng thời, kiểm tra việc triển khai phương án thực tế và chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện, thiết bị để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Lãnh đạo đơn vị chuyên môn cùng chính quyền địa phương tăng cường thăm đồng, kết hợp kiểm tra các tiểu vùng sản xuất có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập úng cục bộ, nhất là những vùng trũng thấp. Qua đó, kịp thời chỉ đạo các tổ chức, cá nhân vận hành các trạm bơm tiêu chống úng bảo vệ sản xuất trong tình hình mưa bão kéo dài.
Ngoài ra, đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành công trình gia cố, nâng cấp đê bao, cống bọng dưới đê, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các tuyến đê thấp nhằm kịp thời đưa công trình vào chống lũ an toàn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đức Duy cho biết, cần đề phòng ảnh hưởng của lũ nội đồng đến sản xuất nông nghiệp theo diễn biến bất thường của thời tiết. Ngành nông nghiệp không chủ quan mà luôn cảnh giác cao độ, đưa ra nhiều giải pháp ứng phó, triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2022 trên địa bàn.
Đối với các công trình xung yếu, các điểm có khả năng sạt lở, các ngành liên quan phối hợp vận động di dời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đồng thời, bố trí vật tư, phương tiện, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai có thể xảy ra để chủ động phòng tránh kịp thời.
Theo ông Nguyễn Đức Duy, tỉnh An Giang hiện có 10.964 công trình thủy lợi, chiều dài 13.259km. Trong đó, có 3.091 công trình sông, kênh, dài 7.424km; 2.658 công trình đê bao dài 5.788km (đê bao triệt để 1.647 công trình, dài 4.027km; đê bao tháng tám 851 công trình, dài 1.449,3km; đê không kiểm soát lũ 160 công trình, dài 312km); 2.901 công trình cống (cống hở 622 cái, cống tròn 2.279 cái); 2.183 trạm bơm (2.147 công trình bơm điện, 36 công trình bơm dầu). Đối với kè sông, kênh, rạch, có 115 công trình, dài 46.141m (kè sông Tiền, sông Hậu 13 công trình, dài 8.801m; kè kênh, rạch 102 công trình, dài 37.340m).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 16 công trình hồ chứa nước, tổng dung tích gần 4,78 triệu m3, trong đó phân cấp hồ đập lớn theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập (có đập dâng) là 7 hồ.
Trên cơ sở phân cấp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi năm 2022, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành phối hợp các sở, ngành chuyên môn và địa phương tổ chức kiểm tra, vận hành thử các công trình cống trước mùa mưa, lũ. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra các điểm xung yếu sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn và lãnh đạo địa phương thường xuyên thăm đồng, khảo sát hiện trạng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch ứng phó phù hợp thực tế địa phương, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Năm 2022, từ nhiều nguồn vốn, các địa phương đã bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo cao trình chống lũ, cấp nước tưới, tiêu phục vụ bảo vệ sản xuất vụ thu đông 2022 và những năm tiếp theo.