Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 17:30, 18/08/2022
Kiểm kê quốc gia khí nhà kính là việc tính toán lượng khí nhà kính phát thải/hấp thụ trong một năm cụ thể (trước năm thực hiện tính toán) trên cơ sở thông tin, số liệu hoạt động về các nguồn phát thải được thu thập, thống kê trong các lĩnh vực và hệ số phát thải, không phải theo các kịch bản. Kết quả này chưa bao gồm việc tính lượng khí nhà kính giảm phát thải.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ năm 1994. Là một bên nước thành viên không thuộc Phụ lục I của Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu bao gồm kiểm kê quốc gia khí nhà kính để gửi Ban Thư ký Công ước.
Triển khai quy định của Công ước, từ năm 2010 đến nay Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho các năm cơ sở 2000, 2010, 2013, 2014 và 2016 phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu và đã gửi Ban Thư ký Công ước theo quy định.
Việc thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính tuân thủ các hướng dẫn kiểm kê quốc gia khí nhà kính của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính qua 5 kỳ kiểm kê, chưa bao gồm việc tính lượng khí nhà kính giảm phát thải, cụ thể:
- Năm 2000: 150,9 triệu tấn CO2 tương đương;
- Năm 2010: 264,2 triệu tấn CO2 tương đương;
- Năm 2013: 259,0 triệu tấn CO2 tương đương;
- Năm 2014: 278,7 triệu tấn CO2 tương đương;
- Năm 2016: 316,7 triệu tấn CO2 tương đương.
Từ năm 2020 trở về trước, mặc dù chưa phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo triển khai các hoạt động giảm phát thải thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông tin về các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam được tổng hợp, thể hiện trong Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba của Việt Nam gửi Ban Thư ký Công ước, được đăng tải trên trang thông tin điện tử của UNFCCC (https://unfccc.int/BURs).
Tuy nhiên, do chưa có yêu cầu về đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) kết quả giảm phát thải khí nhà kính nên số liệu thống kê về lượng giảm phát thải của các hoạt động chưa được thống kê chi tiết, đầy đủ.
Từ năm 2021 trở đi, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính so với mức phát thải theo kịch bản phát triển thông thường (BAU) đến năm 2030, bao gồm các chỉ tiêu giảm phát thải cụ thể cho từng lĩnh vực.
Theo đó, các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính sẽ được đo đạc, báo cáo, thẩm định theo quy định của quốc tế và được công bố công khai; hướng tới việc hoàn thành mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ khí hậu Trái Đất.