Rừng ngập mặn là "dải đê xanh" ngăn chặn rủi ro thiên tai

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 07:30, 19/08/2022

“Những cơn bão mạnh vừa qua, cây ngập mặn đã trở thành bức tường vững chắc, bảo vệ an toàn cho người dân trong thôn, trong xã, nhờ có cánh rừng này, chúng tôi đã yên tâm hơn mỗi khi bão đến,” bà Dìn hồ hởi chia sẻ.
din.jpg
Cô Bùi Thị Dìn ở xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tự hào khi đã tự tay trồng hàng nghìn cây ngập mặn chắn sóng, chắn bão ven biển.

Ngồi thảnh thơi bên dải rừng với hàng trăm nghìn cây xanh đang thẳng mình vươn cao, bà Bùi Thị Dìn ở xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) say sưa ngắm nhìn khóm rừng ngập mặn do chính tay mình trồng trước cửa biển; lấp ló dưới ánh nắng là những tán lá xanh mướt điểm xuyết cùng từng chùm hoa trắng li ti...

Với người dân ven biển, đó chính là “dải đê xanh” vững chắc, góp phần ngăn chặn rủi ro từ những cơn cuồng phong, bão tố. Như bà Dìn chia sẻ: “Từ khi có dải rừng ngập mặn này, bà con ven biển chúng tôi đã yên tâm hơn mỗi khi bão đến.”

Bà Dìn kể bắt đầu tham gia trồng rừng ngập mặn từ năm 2007. Đến nay, bà không nhớ chính xác mình đã tự tay trồng bao nhiêu cây ngập mặn, nhưng theo ước tính của người phụ nữ đang đảm nhận vai trò Chi hội trưởng phụ nữ thôn Yên Lộc, đó là con số “khổng lồ,” lên đến hàng nghìn cây.

Cũng theo bà Dìn, trước đây - khi mới tham gia trồng, do cửa biển sóng lớn, kết hợp với rác thải dồn về (túi nilon, rác thải nhựa bám vào cành cây, dồn thành từng đống lớn), nên rất nhiều cây không thể sống, tỷ lệ cây phát triển cũng rất hạn chế.

Về sau, nhờ có dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (trong đó hợp phần 2 - trồng rừng ngập mặn) của Chính phủ, hỗ trợ bởi UNDP và Quỹ Khí hậu xanh, bà con được hướng dẫn kỹ thuật trồng; cùng sự “chung tay” thu gom rác của cộng đồng, nên các loài cây bần chua, sú, vẹt phát triển rất nhanh.

“Những cơn bão mạnh vừa qua, cây ngập mặn đã trở thành bức tường vững chắc, bảo vệ an toàn cho người dân trong thôn, trong xã. Tự hào mà nói là, nhờ có cánh rừng này, chúng tôi đã yên tâm hơn mỗi khi bão đến,” bà Dìn hồ hởi chia sẻ.

Chỉ vào khu rừng ngập mặn mới trồng hơn một năm, ông Bùi Quyết Chiến, thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc cũng bày tỏ vui mừng khi thôn của ông đã có một dải rừng vững chắc, tựa như “bức tường xanh” chắn bão trước cửa sông, cửa biển.

“Từ khi có dải rừng này, thôn tôi không còn lo bị bão nữa rồi. Cánh rừng này không chỉ bảo vệ cho người dân của xã Đa Lộc, mà còn cả các xã khác như Hưng Lộc, Ngư Lộc và Minh Lộc, vì đây là đoạn đê xung yếu nhất,” ông Chiến chia sẻ.

Nói về ý nghĩa của việc trồng rừng ngập mặn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết tỉnh này được xác định là một trong những vùng trọng điểm về thiên tai của cả nước. Do đó, ảnh hưởng do thiên tai là rất lớn.

Tuy vậy, từ năm 2017 - khi tham gia triển khai hợp phần 2 của dự án trên, tỉnh Thanh Hóa đã phục hồi và trồng mới được hơn 337 hécta rừng ngập mặn để tăng khả năng chắn gió bão. Đến nay, những khu rừng cây ngập mặn trồng trên bãi bồi trải dài của xã Đa Lộc đã phát triển xanh tốt, tạo thành “dải đê xanh” vững chãi trước gió bão, sóng biển và bảo vệ các xóm làng bình yên mỗi mùa mưa bão.

“Từ khi có dải rừng này, tác động của sóng biển, bão đã giảm mạnh. Bão cấp 7, cấp 8 - khi gặp rừng ngập mặn sẽ giảm xuống, chỉ còn cấp 4, cấp 5, nhờ đó đã bảo vệ an toàn cho người dân,” đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ thêm.

Ở góc độ chuyên gia, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cũng đánh giá rừng ngập mặn là mô hình “cứu cánh,” không chỉ duy trì sinh kế cho người dân địa phương, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh bão và giảm nhẹ các tác động “xấu” từ thiên tai.

Với ý nghĩa đó, ông Tuấn khuyến nghị mô hình tái sinh, trồng mới rừng ngập mặn ven biển cần được mở rộng thực hiện trên nhiều địa phương khác ở Việt Nam.

Về phía địa phương, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho rằng mặc dù địa phương này đã trồng mới cũng như phục hồi được hơn 337 hécta rừng ngập mặn, song việc trồng chỉ là một giai đoạn đầu.

Tiếp theo là việc chăm sóc cây. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng cần phải có kinh phí cũng như duy trì bộ máy để chăm sóc cây đến tuổi trưởng thành cũng như duy trì được khả năng chắn sóng, gió bão của rừng ngập mặn.

Phạm Anh