Ngành giao thông Quảng Nam chủ động ứng phó với mưa bão
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:30, 23/08/2022
Với phương châm “Chủ động phòng, tích cực chống”, ngay từ tháng 7.2022, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ và lịch trực cho từng thành viên; thiết lập đường dây nóng để thông báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân biết để phối hợp thực hiện nhiệm vụ liên quan.
Theo ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT, tỉnh Quảng Nam, việc triển khai chuẩn bị chu đáo từ sớm là rất cần thiết, nhằm chủ động ứng phó với bão lũ được dự báo sẽ bất thường. Trên đường bộ, đơn vị quản lý tuyến trước mùa mưa phải khơi thông mương rãnh, lòng cống, lòng cầu; giải quyết tốt thoát nước trên mặt đường, hạn chế xói lở nền đường, mố trụ cầu hạ lưu cống ngang.
Toàn bộ hệ thống cầu đường quốc lộ (QL), tỉnh lộ (ĐT), các vị trí xung yếu như đoạn đèo, dốc, cầu yếu, đoạn thường xuyên bị ngập lụt phải được kiểm tra kỹ càng để bổ sung các cọc tiêu, cọc thủy chí, biển báo.
Ngoài đôn đốc, kiểm tra, đơn vị quản lý tuyến đường về dự phòng vật tư, máy móc và nhân lực tại trục trọng điểm thường xuyên ách tắc giao thông do mưa lũ, đơn cử ĐT606 (Tây Giang), ĐT611 (Quế Sơn - Nông Sơn), QL14B (Đại Lộc - Nam Giang), QL14D (Nam Giang), QL14E (Thăng Bình - Phước Sơn), QL40B (Tam Kỳ - Nam Trà My) và QL24C (Bắc Trà My), Sở GTVT còn làm việc với các địa phương có ĐT và QL đi qua về kế hoạch huy động nhân lực, vật tư, thiết bị để đảm bảo giao thông bước một khi cần thiết.
Đặc biệt, quan tâm đến đường đi qua các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Tây Giang. Đôn đốc các chủ đầu tư thi công công trình trên đường bộ đang khai thác do Sở GTVT đã bàn giao, yêu cầu phải chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ.
Với đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đang thực hiện bảo vệ các phao tiêu, biển báo. Trước và sau mỗi đợt lũ, việc thanh thải, trục vớt chướng ngại vật trong luồng tuyến, chủ động kéo, thả, điều chỉnh phao báo hiệu được lực lượng chức năng chú ý thực hiện; cùng với đó, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm an toàn đường thủy nội địa.
Ngành cũng phối hợp đơn vị quản lý đường sắt, địa phương có đường sắt đi qua kiểm tra điều kiện an toàn của đường ngang để kịp thời phát hiện, đề nghị khắc phục; sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ đường hàng không, đường biển khi có yêu cầu.