Quảng Ninh: Thực hiện đảm bảo mục tiêu trồng rừng năm 2022
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 15:30, 24/08/2022
Ngày 25/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, trong đó có mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh trồng tối thiểu 2.000ha cây bản địa; các loài lim, giổi, lát. Để đảm bảo kế hoạch, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn.
Diện tích đất lâm nghiệp trên 28.600ha, chiếm 55,19% tổng diện tích, trong đó có trên 15.600ha rừng phòng hộ, 13.000ha rừng sản xuất; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 41%, TP Móng Cái là một trong những địa bàn có diện tích rừng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Với khẩu hiệu “Trồng một cây xanh - cho cuộc sống xanh” TP Móng Cái đã chỉ đạo các xã, phường trồng rừng sản xuất theo hướng mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, kết hợp trồng với khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng. Theo đó, các cơ quan chức năng và các xã, phường trên địa bàn đã tập trung rà soát, hoàn thành sớm việc thiết kế diện tích trồng rừng; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ dân lựa chọn giống cây tốt, trồng rừng theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Từ đầu năm đến nay, TP Móng Cái đã trồng được 391,48ha rừng tập trung, trong đó trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, như: Lim, giổi, lát đạt 73,8ha, tăng 47,6% so với kế hoạch tỉnh giao.
Còn tại huyện Ba Chẽ, để đảm bảo mục tiêu trồng rừng, theo ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, địa phương đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa năm 2022. Khi người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha; vay vốn lãi suất thấp, không quá 20 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các đơn vị cung cấp cây giống cho các hộ, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng; vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu tham gia trồng rừng gỗ lớn.
Huyện Ba Chẽ đề xuất phương án trồng cây dược liệu quý của địa phương dưới tán rừng gỗ lớn để người trồng rừng có thêm nguồn thu nhập, "lấy ngắn nuôi dài", yên tâm canh tác. Với cách làm này, đến nay, huyện Ba Chẽ đã trồng được trên 3.086/3.300ha, đạt 93,5% kế hoạch, trong đó riêng diện tích cây bản địa đã trồng là 853ha, đạt 129% kế hoạch và cây dược liệu là 50ha, đạt 70% kế hoạch.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh trồng được gần 1.800ha lim, giổi, lát (đạt trên 80% mục tiêu nghị quyết). Kết quả trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp, sự hưởng ứng, đồng lòng của người dân trong thực hiện chủ trương của tỉnh. Ngay từ đầu năm nay, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, tiến hành các mô hình trồng rừng phù hợp, chủ động huy động nguồn lực hỗ trợ tại chỗ, phát huy vai trò cấp xã trong nắm bắt hiện trạng đất trồng rừng; thường xuyên đánh giá và tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai trồng rừng, nhất là những vướng mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, tập trung nhiều ở địa bàn huyện Ba Chẽ và TP Hạ Long.
Việc triển khai trồng rừng còn ghi nhận sự đồng hành hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nổi bật như: Tập đoàn Sun Group hỗ trợ cây giống trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh trị giá 5 tỷ đồng; Tập đoàn Amata hỗ trợ TP Móng Cái trồng 10ha rừng gỗ lớn tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn... Với sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, đơn vị đăng ký ủng hộ kinh phí để trồng rừng lim, giổi, lát, với trên 1.500ha lim, giổi, lát được trồng thì có tới hơn 1.000ha được trồng từ nguồn xã hội hóa, vốn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Điều này cho thấy, mục tiêu trồng tối thiểu 2.000ha rừng cây lim, giổi, lát của tỉnh đang từng bước rút ngắn. Chính nhờ cách làm bài bản, khoa học và đồng bộ các nội dung, giải pháp từ xây dựng, triển khai phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, phát triển trồng rừng gỗ lớn, các loài cây bản địa, lim, giổi, lát từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã, đến người dân, doanh nghiệp, đến nay, một số địa phương đã đạt kết quả cao và thực hiện vượt kế hoạch UBND tỉnh giao trồng rừng. Điển hình: TP Móng Cái đạt 115%, huyện Ba Chẽ đạt 85%, huyện Vân Đồn đạt 82%, huyện Tiên Yên đạt 73,43%.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trồng rừng năm 2022, theo ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo, trình HĐND tỉnh mở rộng điều chỉnh phạm vi, đối tượng hỗ trợ kinh phí mua cây giống trên phạm vi toàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ trồng rừng và tiếp tục tập trung vận động các đơn vị ủng hộ cây giống thực hiện trồng rừng kịp thời vụ hè thu đến hết tháng 9/2022. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo, kiểm điểm tiến độ thực hiện, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân trên địa bàn triển khai trồng rừng.