Phú Thọ: Ban hành công điện chủ động ứng phó với bão số 3
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:30, 25/08/2022
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc, hồi 7 giờ 00 phút ngày 24/8 vị trí tâm bão số 3 ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 530km về phía Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (89 - 117km/giờ), giật cấp 14. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25km, đến 7 giờ, ngày 25/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 180km về phía Tây Nam; trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đến 7 giờ ngày 26/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,0 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 - 49km/giờ), giật cấp 8. Cảnh báo từ tối và đêm mai (ngày 25/8/2022) đến khoảng ngày 27/8 trên khu vực tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to và dông.
Công điện số 27/CĐ-QG ngày 24/8/2022 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; Công điện số 1328/CĐ-TCTL ngày 23/8/2022 của Tổng cục Thủy lợi về việc đảm bảo an toàn công trình thủy lợi đề phòng ảnh hưởng của bão số 3.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang ở mức cao; để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng do diễn biến của bão số 3 và các tình huống thiên tai bất thường có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành, thị; Công ty TINH Nhà nước một thành viên khai thác công trình Thúy lợi Phú Thọ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và tình hình mưa lũ trên địa bàn; thông tin cảnh báo kịp thời đến các xã, phường, thị trấn và người dân để chủ động phòng, tránh nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, sạt lở.
Rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Sẵn sàng triển khai lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố giao thông. Triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các khu khai thác khoáng sản; các công trình đang thi công.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ chứa nước đang thi công, hồ chứa xung yếu, các hồ chứa nhỏ, các hồ đầy nước và đang có mức trữ nước cao; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Chủ động kiểm tra vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm tiêu để đảm bảo ngăn lũ và tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất.
Đối với công trình hồ chứa nước Ngòi Giành: Mực nước hồ Ngòi Giành vào hồi 11 giờ 00 phút ngày 24/8/2022 ở mức +137,55m dưới mực nước báo động 0,1m; yêu cầu Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ tăng cường kiểm tra các trang thiết bị vận hành công trình hồ chứa, sẵn sàng thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình và vận hành công trình hồ chứa Ngòi Giành theo quy trình vận hành được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2680/QĐ-UBND ngày 19/10/2021.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động chỉ đạo xử lý tình huống và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.