Tổng nhu cầu nước sẽ tăng 32% vào năm 2030
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 17:30, 25/08/2022
Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông tại Việt Nam vào năm 2030. Điều này có nghĩa 5 lưu vực sông sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng về nước vào năm 2030 - căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm.
Bộ TN-MT cho biết, theo thống kê bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất đã tăng gấp 3 lần do sự gia tăng dân số, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa.
Tăng trưởng kinh tế, thay đổi mô hình tiêu dùng và áp lực gia tăng dân số sẽ tiếp tục làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ tiếp tục tăng. Trong vòng 25 năm tới, nhu cầu sử dụng nước hàng ngày của dân cư ở các khu đô thị dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khả năng đáp ứng của hệ thống hiện tại.
Theo một báo cáo của Ban Nước Toàn cầu thuộc Ngân hàng Thế giới, sử dụng đơn vị đo sự căng thẳng về nước, chỉ số khai thác nước (tỉ lệ khai thác, sử dụng so với tổng lượng nước sẵn có) cho thấy mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, cụm sông Đông Nam Bộ và lưu vực sông Đồng Nai là quá nhanh và đang tiến tới mức không bền vững. Các lưu vực này đóng góp 80% GDP của Việt Nam.
Với nguồn tài nguyên nước dồi dào, Việt Nam có thể tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn so với hiện tại. Với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 đôla. Khi nguồn tài nguyên nước bị hạn chế, cần chú trọng hơn đến hiệu suất sử dụng - tạo ra nhiều giá trị hơn trên mỗi đơn vị nước sử dụng - cùng với đảm bảo giảm nhu cầu nước tổng thể.