Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn- Bài 1: Thực trạng phân loại rác tại nguồn ở nước ta hiện nay

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:00, 26/08/2022

Nghị định 45//2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022. Thực tế có khá nhiều địa phương triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn nhưng kết quả chưa được như mong đợi.

Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải nên ý thức của từng người dân là rất quan trọng. Nhưng vấn đề là làm sao phân loại đồng bộ và hiệu quả thì mới đạt kết quả như mong muốn, nghĩa là phải thống nhất từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ, thống nhất. Chính quyền các cấp phải chủ động tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại rác đến người dân một cách cụ thể. Khi mọi việc đi vào quỹ đạo, tạo thành thói quen đối với từng người dân, lúc này các quy định xử phạt mới phát huy được tác dụng.

plr.jpg
Ảnh minh họa.

Mỗi tỉnh đã có những cách làm và giải pháp triển khai khác nhau, tuy nhiên, trong cách làm của các tỉnh đều có điểm chung là triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng mô hình phân loại rác tại hộ gia đình, nhằm nâng cao ý thức người dân về phân loại rác, góp phần giảm thiểu lượng rác đưa đi xử lý và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong đời sống người dân. Đặc biệt phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và nâng cao nhận thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.

Hiện nay, có tình trạng người thì phân loại rác tại nguồn, người lại không thực hiện, nơi có thùng rác công cộng, nơi không và thùng rác một màu, người dân không biết bỏ rác đã phân loại vào thùng nào…

Thành phố Hà Nội: Theo thống kê, hiện nay, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.

Theo các chuyên gia, với đà hiện nay, mỗi năm, số rác thải của TP. Hà Nội tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.

Thực tế trên đang tồn tại mâu thuẫn đáng lo ngại, đó là lượng rác thải của TP. Hà Nội ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác thì dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, hiện nay công tác xử lý thu gom rác thải sinh hoạt đang gặp nhiều vấn đề. Đó là việc chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất, chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom vận chuyển rác. Đơn giá áp dụng theo Quyết định 453/QĐ-UBND cho công tác thu gom, vận chuyển còn nhiều bất cập như cấp bậc thợ và hệ số bảo đảm thu nhập cho người lao động đều bị giảm cùng với đó là biến động về giá nhiên liệu, thời gian khấu hao,…

Một vấn đề nữa là kinh phí bố trí cho hoạt động môi trường còn khó khăn; chưa có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ đổi mới công nghệ trong công tác thu gom chuyển đổi rác.

Ngoài ra, việc bố trí quỹ đất cho các dự án đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình bảo vệ đã được quy định tại Khoản 6, Điều 78, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa sát với thực tế thu gom và xử lý rác nội đô…

Đối với công tác phân loại rác tại nguồn cũng chưa có kế hoạch thực hiện, không có quy hoạch hạ tầng đối với các cơ sở tập trung phân loại tái chế của Thành phố…

Thành phố Hồ Chí Minh: Sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động "Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước" và thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Ngoài một số cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, siêu thị, các chuỗi cà phê lớn… quan tâm triển khai thực hiện thì hầu hết người dân trên địa bàn Thành phố vẫn chưa thực sự chú ý đến việc phân loại rác tại nguồn.

Hiện hầu hết tại các khu dân cư trên địa bàn Thành phố, các loại rác thải từ vô cơ, hữu cơ đến rác thải y tế (bông gạc, khẩu trang…) được tập kết vào các thùng rác cỡ lớn hoặc các vật dụng như thùng xốp, bao bì… Người dân đã quen với việc để chung các loại rác, nhiều người khi được hỏi đến việc phân loại thì tỏ ra bất ngờ hoặc thờ ơ.

Chị Duyên, ngụ Quận 4 than thở: "Gia đình tôi có 4 người, 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ nhưng thuê phòng diện tích chỉ 27 m², không gian để sinh hoạt còn chưa đủ huống gì bỏ thêm mấy thùng rác. Trước giờ tôi chỉ tách riêng các chai, lọ có thể tái chế để cho mấy người ve chai còn các loại rác khác tôi bỏ chung một chỗ. Khu nhà tôi toàn lao động nghèo nên ít ai phân loại rác".

Còn theo chị Trang, ngụ quận Tân Bình, chị sinh sống ở nhiều khu nhà trọ khác nhau nhưng chưa thấy ở đâu thực hiện việc phân loại rác, hầu hết mọi người đều để chung vào nhau. Bản thân chị thấy việc phân loại rác ở TPHCM vẫn khó thực hiện vì chưa có sự đồng nhất giữa đơn vị thu gom và ý thức người dân.

ttplr.jpg
Rác thải sinh hoạt cần được phân loại, thu gom tại nguồn. Ảnh minh họa.

TP. Biên Hòa – Đồng Nai: Hiện mỗi ngày TP.Biên Hòa phát sinh từ 500-700 tấn rác thải sinh hoạt, đa phần trong số này được thu gom và đưa đi chôn lấp. Tình trạng này đang gây quá tải cho công tác thu gom và xử lý rác. Để giảm áp lực trong xử lý rác sinh hoạt và “biến” một phần rác thải thành tài nguyên hay tái chế, việc phân loại rác thải tại nguồn là rất cần thiết và phải thực hiện trước tiên.

Dù đã nỗ lực, nhưng hoạt động thu gom, xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt ở TP.Biên Hòa chưa đạt yêu cầu. Điều đáng nói, ý thức của một bộ phận người dân trong giữ vệ sinh môi trường chưa cao. Dù là đô thị loại I nhưng tại TP.Biên Hòa, rác sinh hoạt vẫn bị vứt bừa bãi ở nhiều nơi, rất nhếch nhác.

Trong thời gian qua, tại TP.Biên Hòa, mặc dù cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý không ít trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, thế nhưng rác vẫn bị mang đổ bừa bãi ở nhiều nơi, từ đường phố đến hang cùng ngõ hẻm, kể cả kênh mương, cống thoát nước cũng thường xuyên bị tắc nghẽn do rác bít dòng chảy.

Tại nhiều “bãi rác” tự phát ở TP.Biên Hòa có đủ loại rác. Từ rác hữu cơ, đến chai lọ thủy tinh, bao bì nhựa, giấy, thậm chí cả rác cồng kềnh khó phân hủy như: nệm, ghế salon cũ bị vứt bỏ bừa bãi, vô tội vạ. Tình trạng này đã làm xấu cảnh quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

Thực tế đáng buồn này ai cũng thấy, thế nhưng thói quen sống xanh (thải ít rác), đặt rác đúng nơi, đúng giờ quy định, cũng như thói quen phân loại rác tại nguồn thì không phải ai cũng ý thức chấp hành và thực hiện.

Mỗi ngày, bà Trần Ngọc Trân (ngụ P.Thanh Bình) đều mang rác của gia đình ra đường để chờ thu gom. Nhà bà có 6 người nên lượng rác thải ra cũng tầm 2-3 kg/ngày. Như nhiều hộ gia đình khác, bà Trân bỏ tất cả các loại rác gồm rác có thể phân hủy (thức ăn thừa, rau…) và rác khó phân hủy (chai nhựa, túi ny-lông) chung vào một bịch to.

Bà Trân cho biết, nhà bà hầu như không phân loại vì mất thời gian và nhất là phải để trong nhà 2-3 thùng rác, vừa chật nhà, vừa gây ô nhiễm.

Thực tế từ hộ bà Trân cho thấy, đây là tình trạng chung của rất nhiều hộ gia đình ở TP.Biên Hòa hiện nay. Nhiều người ngại phân loại rác tại nguồn bởi việc bỏ chung tất cả rác vào một bịch thường nhanh gọn, tiện lợi hơn là việc phải lựa chọn từng loại cho vào những thùng rác, bao bì riêng. Song trên hết, vẫn là chưa hình thành được thói quen phân loại, đây chính là câu trả lời cho việc vì sao phân loại rác thải tại nguồn ở Biên Hòa… chỉ thực hiện được một thời gian, dù đã được triển khai cả chục năm qua và triển khai rất nhiều lần.

Chia sẻ về tình trạng rác không phân loại mà vứt bừa bãi đang rất phổ biển hiện nay ở Biên Hòa, ông Trần Văn Nhàn (ngụ P.Trung Dũng) cho rằng, Biên Hòa là địa phương công nghiệp nên đất chật người đông, tất yếu lượng rác thải sinh hoạt thải ra hằng ngày cũng rất lớn. Do đó, nếu mỗi người đều ý thức, cùng chung tay hành động sẽ giảm được lượng rác phải chôn lấp, giảm áp lực cho môi trường, từ đó cũng quay lại tạo cho chúng ta một môi trường sống xanh hơn, sạch hơn, trong lành hơn.

“Muốn “biến” rác thành tài nguyên, hay tái chế không quá khó và bước đầu tiên phải tiến hành là phân loại rác thải tại nguồn. Việc này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Trước tiên, cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Tuyên truyền sao để người dân hiểu việc thực hiện phân loại rác tại nguồn là trách nhiệm và nghĩa vụ nhằm góp phần giữ môi trường trong lành của thành phố, nếu không thực hiện sau này sẽ có chế tài xử lý như: từ chối thu gom rác hoặc xử phạt hành chính” - ông Nhàn cho biết.

Huyện đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi: Mô hình phân loại rác thải tại nguồn được huyện Lý Sơn thí điểm đầu năm 2019 tại 2 khu dân cư trên đảo, mục tiêu sẽ nhân rộng ra toàn huyện đảo nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do công tác triển khai thiếu đồng bộ từ nhiều khâu dẫn đến việc nhân rộng mô hình này gặp nhiều khó khăn, sau gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình này chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Liên tiến hành phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Rác hữu cơ, rác vô cơ được chị Liên phân loại riêng từng thùng chứa để cùng chung tay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phân loại sau đó bị bỏ ngang vì lý do bất cập từ khâu thu thu gom của Nhà máy rác Lý Sơn. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: Trước kia là tôi cũng có phân 2 loại rác, một cái là dễ phân hủy một cái là khó phân hủy tôi để riêng, nhưng mà Nhà máy rác người ta đi thu gom người ta bỏ chung hết nên giờ gia đình tôi cũng bỏ chung luôn.

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn được huyện Lý Sơn thí điểm đầu năm 2019 tại khu dân cư số 1 thôn Đông An Vĩnh, khu dân cư số 3 thôn Đông An Hải với 520 hộ tham gia. Huyện Lý Sơn đã cấp phát gần 1.300 thùng rác và hàng ngàn poster phân loại rác; mở các lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho các hộ gia đình ở 2 khu dân cư trên. Thời gian đầu người dân hưởng ứng khá tốt, nhưng sau đó nhiều hộ bỏ ngang vì lý do Nhà máy xử rác Lý Sơn thuộc Công ty Đa Lộc không thu gom riêng biệt từng lọai rác được người dân phân loại, mà lại dồn chung nên nhiều người dân không còn phân loại. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, chỉ có 17% hộ gia đình còn duy trì việc phân loại rác tại nguồn. Chị Lê Thị Được, thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho rằng: Bà con phân loại rác tốt, nhưng do Công ty nó không thực hiện được, nó cứ dồn chung một loại. Lúc đầu nó vẫn hứa cuối tuần thu một lần rác vô cơ, nhưng nó không thực hiện được, nó vẫn dồn chung hết nên người dân rất bức xúc không phân loại nữa.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho mô hình phân loại rác tại nguồn sau gần 2 năm vẫn chưa đạt mục đích đề ra, ngoài một số hộ dân chưa xây dựng và duy trì được thói quen phân loại rác, nhiều hộ dân phân loại chưa đúng với từng loại rác, nhưng chủ yếu là đơn vị thu gom, xử lý rác thải chưa thu, gom thường xuyên. Phương tiện thu gom, vận chuyển, nhân lực để thu gom, xử lý rác thải phân loại cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Anh Phạm Văn Lợi, Phó Giám đốc Nhà máy xử lý rác Lý Sơn nói: Bắt đầu trong tháng 9 này nhà máy sẽ tiến hành thu gom 2 loại rác, rác hữu cơ dễ phân hủy gồm thức ăn thừa thì sẽ thu gom vào các ngày trong tuần như lịch trình như hiện nay, còn rác vô cơ sẽ gom vào này chủ nhật hàng tuần. Để thực hiện thu riêng 2 loại rác thì Nhà máy chúng tôi phải đầu tư thêm xe cuốn ép và một đội thu gom để thu gom rác vô cơ.

Mỗi ngày, Lý Sơn có từ 27-28 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường, cao điểm lên đến 40 tấn mỗi ngày. Do đó, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí xử lý. Để giải quyết được “bài toán” này, cần triển khai đồng bộ ở nhiều khâu, trước tiên là người dân phải làm tốt việc phân loại tại nguồn, còn đơn vị xử lý rác phải thu, gom xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thanh Hóa: Tại phố 6, phường Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay, tất cả các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn thu gom chung các loại rác, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền cũng như tâm lý người dân trong phân loại rác thải. Việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn đang ở mức mô hình nên phần lớn gia đình chưa thực hiện. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 300.000 tấn rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế trộn lẫn phải chôn lấp, chiếm tới 68% tổng lượng rác phát sinh.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm rác trên địa bàn huyện Nông Cống vận chuyển chung bằng 1 phương tiện, xử lý chôn lấp hợp vệ sinh và đốt. Tại bãi rác cơ bản đã phân loại, nhưng phân loại rác hữu cơ và vô cơ cũng chưa triệt để được. Rác hữu cơ cũng chưa tận dụng được vào các mục đích như phân bón. Về lâu dài phải đồng bộ từ phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý. Đối với bãi rác đang thu hút đầu tư, lựa chọn công nghệ hỗn hợp để làm gạch, phân bón, đốt.

Phân loại rác tại nguồn rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hành động của người dân; giảm ô nhiễm, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tăng hiệu suất tái chế rác, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tiến tới một khái niệm sống xanh bền vững.

Minh Minh