Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn- Bài 2: Nhiều bất cập trong phân loại, xử lý rác tại nguồn

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:00, 28/08/2022

Thời gian qua, chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đã được thí điểm triển khai ở khá nhiều địa phương, tuy nhiên, việc hình thành thói quen sống xanh cho cộng đồng vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
phan-loai-2.jpg
Việc hình thành ý thức, thói quen thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Số dự án thí điểm tỷ lệ nghịch với kết quả thu được

Tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Dẫu vậy, việc phân loại rác thải còn nhiều trở ngại bởi các mô hình mới được thực hiện tại nguồn, chưa thiết lập thành chuỗi quy trình phân loại trong thu gom.

Theo “Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016-2020” do Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Lượng CTRSH ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10-16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước). Cũng theo kết quả thống kê giai đoạn 2016-2019, tốc độ thu gom và xử lý CTRSH đô thị tăng trung bình 2%/năm, phần lớn chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ. Việc PLRTN chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi và không đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý.

Hiện tại, công tác phân loại CTRSH mới được thực hiện thí điểm tại một số khu vực thuộc một vài đô thị lớn, còn lại phần lớn rác chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Do không được phân loại, rác vô cơ-hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực. Hiện, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra khoảng hơn 7.000 tấn rác, chủ yếu chuyển đến bãi chôn lấp thuộc Khu liên hiệp xử lý rác Nam Sơn-Sóc Sơn và bãi Xuân Sơn. Với công nghệ xử lý hiện tại và lượng rác thải ra ngày càng tăng thì theo tính toán, những bãi chôn lấp rác này sẽ hết khả năng tiếp nhận trong vài năm tới.

Rác thải luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc ở nhiều địa phương. Lượng rác chôn lấp khá lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đến định hướng phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xử lý chất thải rắn đô thị. Nhiều địa phương cũng đã đầu tư, ban hành nhiều chính sách để xây dựng những dự án phân loại rác sinh hoạt từ đầu nguồn thải. Thí dụ như TP Hồ Chí Minh đã triển khai phân loại CTRSH tại nguồn từ năm 2017, với lộ trình từng bước rõ ràng. Nếu năm 2017, mỗi quận/huyện thực hiện ít nhất tại một phường/xã/ thị trấn thì năm 2018 mở rộng số lượng từ 3-5 và đến năm 2020 thì triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Thế nhưng, kết quả thu lại không được bao nhiêu vì hàng loạt nguyên nhân: các hộ gia đình/chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; công tác tuyên truyền và triển khai chưa đồng bộ; thành phố mới dừng lại ở tuyên truyền, vận động là chính và chưa kiểm tra, xử phạt (theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng với hành vi không PLRTN).

Cách đây 15 năm, Hà Nội cũng đã từng rầm rộ ra quân dự án 3R bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Nguyên nhân là bởi chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...

Việc phân loại CTRSH tại khu vực nông thôn hiện chủ yếu được tiến hành ngay tại hộ gia đình. Giấy, bìa các-tông, kim loại, chai nhựa (để bán), chất thải thực phẩm (sử dụng cho chăn nuôi) để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Các thành phần khác hầu hết không được phân loại mà thường để lẫn lộn cả thành phần có khả năng phân hủy và khó phân hủy như túi ni-lông, thủy tinh, cành cây, lá cây, hoa quả, xác động vật chết... Việc phân loại đem lại hiệu quả thấp, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ và chưa được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình không hợp tác hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại CTRSH tại nguồn.

Theo lý giải của các chuyên gia thì “lý do lớn nhất khiến phong trào PLRTN trước đây sớm “chết yểu” là do thiếu đồng bộ. Đơn cử như ở Hà Nội, trong ba năm triển khai dự án 3R, hoạt động PLRTN được tổ chức hiệu quả ở bốn phường. Thế nhưng sau khi được chuyển giao cho thành phố, mọi chuyện lại quay về vạch xuất phát bởi tuy người dân đã có ý thức phân loại, song cơ quan thu gom lại không đủ kinh phí để duy trì hai xe riêng cho hai loại rác. Hay TP Hồ Chí Minh có quy định thu gom phân loại rác nhưng việc tuyên truyền lại chưa đi vào trọng tâm nên thói quen tiện đâu bỏ đó của người dân chưa thay đổi.

Nhiều năm trước, hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn trên phạm vi toàn quốc đã được thực hiện ở một số địa phương như: Hưng Yên (2012-2014), Bắc Ninh (2014), Lào Cai (2016), Bình Dương (2017-2018), Đồng Nai (2016-2018), Đà Nẵng (2017), Hà Tĩnh (2019)... tuy vậy, hiệu quả thu về khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do “CTRSH tái chế thường được các hộ gia đình, người đi thu gom ve chai nhặt và bán trước khi đơn vị cung ứng dịch vụ có thể thu hồi; thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chưa phù hợp với CTRSH được phân loại; nhiều nơi áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả CTRSH được thu gom; kinh phí thực hiện cho phân loại CTRSH tại nguồn cao; chưa nhận được sự hưởng ứng của chính quyền địa phương và thiếu chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại CTRSH tại nguồn”.

Để tối ưu hóa nguồn tài nguyên rác thải


Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải PLRTN, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. PLRTN sẽ cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

phan-loai-1.jpg
Để Để tối ưu hóa nguồn tài nguyên rác thải, cần có sự đồng bộ cả về hạ tầng thu gom và xử lý rác thải sau khi phân loại tại nguồn.

Theo các chuyên gia về môi trường, việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích cho Nhà nước qua nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến. Không những thế, còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Mặc dù đem lại rất nhiều lợi ích nhưng thực tế cho thấy, tại Việt Nam dù đã có rất nhiều nỗ lực song việc phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít chương trình phân loại rác tại nguồn, dự án xử lý rác thải được triển khai, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại lặng lẽ chìm dần.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, để thực hiện thành công việc phân loại rác tại nguồn cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo thành phố, các cơ quan quản lý chuyên môn của Nhà nước để từ đó thu hút được sự tham gia của người dân - những chủ thể và cũng là mục tiêu hướng tới của hệ thống thực hiện phân loại rác tại nguồn. Cần xây dựng được cơ chế khuyến khích, ví dụ như rác tái chế thì không thu phí thu gom, rác cần xử lý thì thu phí cao hơn để tạo động lực cho người dân thực hiện.

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Thị An cũng nhấn mạnh vai trò của các công ty thu gom rác thải. Không chỉ có vai trò quan trọng trong hệ thống thu gom mà bản thân những người công nhân thu gom còn đóng vai trò những người giám sát trực tiếp việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Ngày 1/1/2022 là thời điểm Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực. Nhiều quy định mới liên quan tới việc thu gom rác thải sinh hoạt đã được truyền thông mạnh mẽ tới từng hộ gia đình, trong đó “bắt đầu thu phí rác thải dựa theo khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại” và “không phân loại rác thì bị từ chối thu gom” là hai nội dung nổi bật. Theo đó khối lượng, “thể tích” rác thải sau khi được phân loại được coi là một yếu tố cấu thành nên giá dịch thu gom rác thải sinh hoạt mà mỗi hộ gia đình, cá nhân phải trả hằng tháng.

Hiện nay, mức giá dịch vụ này đang được tính bình quân và mang tính “cào bằng”, người xả một cân rác cũng phải trả phí bằng với người xả 10 cân. Do đó, tính phí rác thải theo khối lượng rác xả ra được cho là bảo đảm công bằng và giúp hạn chế rác thải sinh hoạt, giảm áp lực cho các hệ thống xử lý rác cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống xanh. Cũng từ mốc thời gian này, phân loại CTRSH thành ba loại riêng biệt (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Luật đã quy định cụ thể cho phép chính quyền địa phương thu phí để chi trả chi phí xử lý CTRSH thông qua việc bán túi ni-lông. Túi càng to thì giá càng cao nên muốn chi phí phải trả tối thiểu, người dân phải hạn chế tối đa thải rác. Thời hạn áp dụng quy định này chậm nhất là ngày 1/1/2025.

Lý giải về những vướng mắc trong thực hiện PLRTN, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) Vũ Công Minh cho rằng, do số lượng phương tiện vận chuyển hạn chế, việc phân loại rác thải chưa được tổ chức đồng loạt ở các địa phương nên khi thu gom, xe chở cả rác thải đã phân loại và chưa phân loại để lấy đủ khối lượng vận chuyển.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn còn nhiều khó khăn, bất cập bởi người dân chưa xây dựng được thói quen phân loại rác. Mặt khác, với khu vực nội thành, hầu hết diện tích nhà ở của các gia đình nhỏ hẹp, việc để 3 thùng phân loại rác trong nhà là rất khó nên người dân không mấy mặn mà. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực thu gom, xử lý chất thải sau phân loại trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu. Thành phố chưa có cơ chế phù hợp để hỗ trợ thực hiện phân loại rác tại nguồn; chưa có định mức, đơn giá hay chính sách khuyến khích các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý cùng tham gia…

Để tháo gỡ bất cập này, cần có sự đồng bộ cả về hạ tầng thu gom và xử lý rác thải sau khi phân loại tại nguồn.

Khánh Linh