TP Hồ Chí Minh: 15 triệu USD xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:34, 24/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Chiều 23/10, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận dự án Quản lý tích hợp ngập lụt đô thị TP Hồ Chí Minh (xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ) bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch.
Tình hình ngập sâu do mưa lớn và thủy triều tại một số tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện khi dự án Quản lý tích hợp ngập lụt đô thị TP Hồ Chí Minh được triển khai
Theo đó, UBND TP giao Trung tâm Chống ngập (Ban quản lý Dự án xây dựng công trình) nghiên cứu tiến hành thực hiện dự án Quản lý tích hơp ngập lụt đô thị TP bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Đan Mạch.
Trung tâm Chống ngập lập đề xuất dự án theo quy định; đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ làm việc với Đại sứ quán Đan Mạch đánh giá, xem xét các điều kiện cụ thể về khoản vay ưu đãi và các yêu cầu từ Chính phủ Đan Mạch.
Dự án Quản lý tích hơp ngập lụt đô thị TP nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm với việc hiện đại hóa, xây dựng các trạm khí tượng thủy văn, mô hình dự báo, hệ thống cơ sở dữ liệu và truyền tin cảnh báo… cho khu vực dân sinh hạ lưu lưu vực sông. Dự án triển khai sẽ bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An. Dự án đồng thời xây dựng và nâng cao thể chế cho cơ quan quản lý để ra quyết định về vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống phòng, chống ngập và thoát nước trên địa TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, dự án sẽ hiện đại hóa các hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn; mở rộng mạng lưới quan trắc khí tượng, mưa, thủy văn và radar dự báo mưa; hệ thống quản lý và chia sẻ dữ liệu quan trắc và dự báo giữa Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, Trung tâm Chống ngập và các cơ quan có liên quan.
Thông qua dự án, sẽ thiết lập chương trình quản lý trung tâm bao gồm: quản lý hệ thông thông tin về cơ sở vật chất, hạ tầng hiện có, cơ sở dữ liệu; tích hợp các mô hình dự báo thủy văn, thủy lực và bản đồ ngập. Từ đó, giúp đơn vị quản lý ra các quyết định vận hành; xây dựng bản đồ nguy cơ và rủi ro ngập lụt ứng với các tần suất mưa, triều, lũ thượng nguồn và tổ hợp của các yếu tố trên; xây dựng quy trình vận hành các công trình chống ngập trong lưu vực phù hợp với công tác chống ngập chung của toàn thành phố; xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt tự động tại các khu vực nhạy cảm, thường xuyên ô nhiễm để đề xuất các quy trình vận hành hệ thống nhằm giảm thiểu ô nhiễm; lập nghiên cứu quản lý bùn đáy chi tiết, quy hoạch liên quan đến khu vực tiếp nhận và xử lý bùn thải, quy hoạch tổng thể về chất thải rắn dược triển khai cho lưu vực…
Theo SGGPO