Hội thảo “Từ rác tới tài nguyên – giải pháp từ Canada” - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ xử lý rác thải hiện đại

Tin hoạt động Hội - Ngày đăng : 19:06, 30/08/2022

Với mong muốn hợp tác, chia sẻ và xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp ngành xử lý rác thải và tái chế giữa hai nước Việt Nam và Canada, sáng 30/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Lãnh sự quán Canada phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (AWATEN) tổ chức Hội thảo: “Từ rác tới tài nguyên – giải pháp từ Canada”.
Hội thảo “Từ rác tới tài nguyên – giải pháp từ Canada”

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải đến từ Việt Nam và Canada. Về phía Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (AWATEN) có PGS.TS Lê Hùng Anh - Phó Chủ tịch, Trưởng văn phòng đại diện Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam tại TP.HCM tham dự và phát biểu khai mạc.

W_hoi-thao-cong-nghe-rac.jpg
Hội thảo “Từ rác tới tài nguyên – giải pháp từ Canada”

PGS.TS Lê Hùng Anh - Trưởng văn phòng đại diện Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam tại TP.HCM cho biết, công nghệ xử lý rác thải của Canada đã có nhiều thành công trên trường quốc tế, tuy nhiên tại Việt Nam chưa được biết đến nhiều.

“Hội thảo này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các trường đại học có cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các công ty Canada đang hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải các loại. Hướng đến hợp tác chuyển giao công nghệ, tìm giải pháp phù hợp cho tình hình thực tế tại Việt Nam”, ông Anh nói.

W_hoi-thao-cong-nghe-rac-1.jpg
PGS.TS Lê Hùng Anh - Phó Chủ tịch, Trưởng văn phòng đại diện Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam tại TP.HCM

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của 6 doanh nghiệp tại Canada, đem đến nhiều công nghệ, giải pháp về xử lý chất thải. Điển hình như công nghệ xử lý rác sinh học và cơ học. Với công nghệ này, rác thải không cần phân loại tại nguồn. Tại nhà máy rác thải sẽ được nén ép. Nước từ thải được đưa vào biogas, phần xác còn lại sử dụng làm chất đốt, tạo ra nhiệt năng lớn.

Đối với lĩnh vực rác thải công nghệ, phía doanh nghiệp Canada đem đến công nghệ xử lý rác thải điện tử, khai thác kim loại quý.

Theo PGS.TS Lê Hùng Anh, đây là giải pháp cần thiết khi rác thải điện tử ngày càng nhiều. Với công nghệ này, nhà máy sẽ nhận rác thải từ các nguồn thu gom, sau đó tiến hành nghiền nhỏ, chuyển đến nhà máy tách lấy kim loại quý.

Ngoài ra còn có các công nghệ xử lý rác thải khác như: công nghệ khí hóa rác thải; nhiệt phân, xử lý rác thải nhựa thành các sản phẩm dầu mỏ.

Điểm chung của các công nghệ này là ngoài việc xử lý rác thải, còn phải tận dụng được nguồn năng lượng từ rác, theo tinh thần của hội thảo “Từ rác thải đến tài nguyên”.

W_hoi-thao-cong-nghe-rac-2.jpg
Nhiều công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại được giới thiệu tại Hội thảo

Tại hội thảo, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã báo cáo chi tiết, về hiện trạng quản lý và xử lý chất thải rắn tại Việt Nam. Theo đó, chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) 10-12%, một số thành phố lớn, các thành phố có hoạt động du lịch phát triển có tỷ lệ cao hơn trung bình so với cả nước. Chất thải nhựa năm 2020 phát sinh gần 3 triệu tấn. Tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị trung bình cả nước năm 2020 là 93.7%, nông thôn 83%.

Chôn lấp là biện pháp phổ biến tại Việt Nam (chiếm 70% khối lượng), nhưng chỉ có 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Hiện nay, trên cả nước có khoang 1100 cơ sở xử lý CTRSH, các cơ sở xử lý chất thải trên cả nước đã đầu tư 381 lò đốt, chất thải sinh hoạt,  37 dây chuyền sản xuất phân compost, 900 bãi chôn lấp CTRSH trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt để thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp với nhiều phương pháp xử lý khác.

Qua thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ sở xử lý chất thải tại các đô thị đặc biệt hoặc loại 1 thường được xử lý tập trung quy mô lớn. Tại vùng nông thôn, nhiều tỉnh đã bố trí các cơ sở xử lý chất thải ở quy mô cấp xã. Các tỉnh có các bãi xử lý chất thải rắn sinh hoạt với các bãi lớn nhất như Hải Dương 194 cơ sở, Nam Định là 178 cơ sở, Thái Bình là 124 cơ sở , Thanh Hóa 49 cơ sở.

W_hoi-thao-cong-nghe-rac-5.jpg
Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp xử lý rác thải tại Việt Nam tiếp cận được nhiều công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại từ Canada

Việt Nam cũng đã ban hành một số quy định mới để thực hiện Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Với nguyên tắc: Giảm thải phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế tận dụng tối đa giá trị tài nguyên của chất thải. Chính Sách: Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải xã hội hóa. Quyết định số 1316/CĐ-TT ngày 22/7 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa.

Cũng tại hội thảo, bên cạnh vấn đề về rác thải sinh hoạt, nguồn rác thải điện tử cũng là một chủ đề được các đại biểu và doanh nghiệp hết sức quan tâm. Theo thống kê trung bình mỗi năm ở Việt Nam ước tính thải gia khoảng 115 ngàn tấn rác thải . Nguồn rác này ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường bởi khối lượng lớn các chất ảnh hưởng đến môi trường bao gồm: Kim loại, nhựa hydrocacbon và các chất độc khác.

Trước khi kết thúc hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã đặt câu hỏi trực tiếp với đại diện các công ty phía Canada nhằm giải đáp các thắc mắc, tìm hiểu về công nghệ xử lý rác và cơ hội chuyển giao, tiến đến hợp tác trong tương lai.

W_hoi-thao-cong-nghe-rac-6.jpg
Anh Chử Bá Chung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH lavergne Việt Nam

Chia sẻ sau hội thảo anh Chử Bá Chung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH lavergne Việt Nam chia sẻ khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải: Khó khăn của chúng tôi đến từ nhiều mặt về phía hãng tàu, nhà cung cấp, giá cả tăng đột biến từ các hãng tàu. Đồng thời, chúng tôi mong muốn Chính Phủ và Bộ TN&MT có những chính sách cởi mở hơn cho các doanh nghiệp ngành tái chế cùng nhau phát triển.

Sau hội thảo, ông Lê Hùng Anh chia sẻ, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo này mong muốn kết nối được nhiều doanh nghiệp tái chế và xử lý rác thải của Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cuả Canada và các dự án triển khai tại Việt Nam với công nghệ của Canada ngày càng hiệu quả hơn. Ngoài ra qua hội thảo này chúng tôi mong muốn đóng góp được những kiến thức mới về công nghệ, cũng như thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư trong lĩnh vực tái chế rác thải của Canada vào Việt Nam.

Minh Minh