Đề xuất giải pháp nâng dung tích phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ tại Hà Tĩnh

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 13:30, 06/09/2022

Dự án đầu tư “Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ” là dự án rất quan trọng và cấp bách. Việc triển khai dự án này sẽ đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh.

Hồ Kẻ Gỗ được xây dựng từ năm 1976, đưa vào vận hành năm 1983 với dung tích gần 350 triệu m3, vốn được xem như “quả bom nước” treo trên đầu hàng vạn hộ dân các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh. Sau trận lũ lịch sử năm 2020, người dân nơi đây càng kỳ vọng dự án tiêu thoát lũ hồ Kẻ Gỗ sớm được triển khai thi công.

ht-ho-ke-go.jpg
Hồ Kẻ Gỗ được xây dựng từ năm 1976, đưa vào vận hành năm 1983 với dung tích gần 350 triệu m3.

Dự án đầu tư “Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ” là dự án rất quan trọng và cấp bách. Việc triển khai dự án này sẽ đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh.

Đặc biệt, dự án góp phần đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng, bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do nước gây ra; thích ứng với biển đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ông Hoàng Xuân Thịnh - Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã thực hiện được 80% khối lượng báo cáo nghiên cứu khả thi. Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh; các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh, đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trong tháng 8 năm 2022”.

Trong nhóm nâng cao năng lực phòng lũ cho hồ có 6 giải pháp được đưa ra gồm: Nâng cao đỉnh đập lên 2m nhằm tăng dung tích phòng lũ lên khoảng 25 triệu m3 nước so với quy trình vận hành năm 2011; giảm nhu cầu dùng nước hạ lưu; mở rộng tràn xả lũ Dốc Miếu, đóng hoàn toàn tràn trong cống lấy nước; xây dựng hồ chứa ở thượng lưu để cắt tần suất lũ về hồ Kẻ Gỗ; điều chỉnh quy trình vận hành và hoàn thiện thiết bị quan trắc, khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát vận hành.

“Để giải quyết được bài toán tăng dung tích phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ cần kết hợp nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, trong 6 giải pháp đưa ra, việc nâng cao đập và xây dựng hồ chứa mới ở thượng lưu đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng lớn. Hơn nữa, giải pháp nâng cao đập sẽ ảnh hưởng đến quy mô đập chính hiện nay, nhiều vấn đề mất an toàn đập cũng có thể phát sinh nếu không đánh giá đúng hiện trạng thân đập cũ cũng như xây dựng biện pháp thi công công trình hợp lý.

ke-go.jpg
Đề xuất 6 giải pháp nâng dung tích phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ.

Còn xây dựng hồ chứa mới, đồng nghĩa quy trình vận hành cũng phức tạp hơn, thậm chí nếu đập thượng lưu có sự cố thì nguy cơ vỡ đập chính hiện nay là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất lựa chọn giải pháp giảm nhu cầu dùng nước hạ lưu; mở rộng tràn xả lũ kết hợp điều chỉnh quy trình vận hành và hoàn thiện thiết bị quan trắc, khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát vận hành”, đại diện đơn vị tư vấn nhấn mạnh.

Đối với nhóm tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập cho hạ du, trong khuôn khổ dự án sẽ đầu tư 2 tuyến đê: Cầu Đông 1 – 2 và tuyến Cầu Nủi – cầu Phụ Lão. Nâng cao toàn bộ đê Đồng Môn hiện tại và đường tránh thành phố Hà Tĩnh để đáp ứng cao độ chống lũ tần suất 2% cho thành phố. Đồng thời, tổ chức nạo vét các đoạn co thắt dòng chảy trên các sông chính Rào Cái, sông Cày; nạo vét một số đoạn của các tuyến sông chính và sông nhánh.

Ước tính nguồn lực cần cho dự án này khoảng 1.000 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 42 tỷ; chi phí xây dựng hơn 623 tỷ; chi phí dự phòng hơn 106 tỷ đồng…

Đến bây giờ, hồ Kẻ Gỗ đã được khai thác hơn 4 thập kỷ, mặc dù có cải tạo, nâng cấp nhưng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, các trận mưa lớn với tần suất 2%, 1%, thậm chí lớn hơn có thể diễn ra thường xuyên, tác động lớn đến an toàn công trình Kẻ Gỗ. Trong khi đó, khả năng cắt lũ của các hồ chứa có giới hạn, tỷ lệ diện tích khống chế của các hồ chứa là quá nhỏ so với diện tích lưu vực của toàn vùng hạ du nên hồ chứa chỉ có vai trò một phần trong việc giảm ngập lụt cho hạ du.

Việc đầu tư dự án “Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ” dù không giải quyết được triệt để tình trạng ngập lụt nhưng chắc chắn sẽ tăng khả năng thoát lũ; ngăn được tình trạng ngập sâu, dài ngày cho vùng hạ du; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo lũ, kịp thời triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng cho nhân dân.

Minh Minh