Bình Định: Chủ động các phương án phòng cháy chữa cháy tại các chợ dân sinh

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 10:30, 07/09/2022

Chợ là nơi tập trung nhiều hàng hóa, nguy cơ xảy ra cháy, nổ luôn ở mức độ cao. Vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ở các khu chợ được cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định hết sức quan tâm.

Trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định có 180 chợ dân sinh. Đây là một trong những loại hình cơ sở được xếp loại đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ. Thực tế trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các chợ, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, ảnh hưởng đến ANTT, an toàn xã hội. Điển hình, một số vụ cháy lớn tại chợ Mộc Bài (huyện Hoài Ân); chợ Cây Xăng, chợ Nhơn Lý (TP Quy Nhơn); chợ Phú An (huyện Tây Sơn)… gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Các vụ cháy tại chợ đa phần xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng thiết bị điện không đảm bảo an toàn dẫn đến chập dây dẫn điện; do tiểu thương đốt vàng mã, đốt hương thờ cúng trong chợ thiếu an toàn dẫn đến cháy lan.

Ngoài sự thiếu ý thức, kiến thức PCCC của các hộ kinh doanh buôn bán trong chợ, đáng nói là nhiều cơ quan chủ quản, ban quản lý chợ chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với công tác PCCC, thiếu quan tâm hoặc coi nhẹ công tác PCCC. Thậm chí, cố tình vi phạm quy định PCCC, hoặc có thái độ phó mặc cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH.

phong-chay-chua-chay.jpg
Tập huấn PCCC cho các hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn TP Quy Nhơn. Ảnh: N.H

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác PCCC&CNCH tại các chợ dân sinh là các lô, quầy được bố trí hàng hóa dày đặc, các lối đi nhỏ, hẹp. Cơ sở vật chất tại nhiều chợ xuống cấp, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về PCCC&CNCH. Do vậy, khi xảy ra các sự cố cháy, nổ, việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Thùy, Trưởng Ban quản lý chợ Khu 2 (phường Trần Phú, TP Quy Nhơn), cho hay: Chợ có hơn 80 hộ đăng ký kinh doanh với đa dạng, phong phú các mặt hàng. Để chủ động các phương án PCCC&CNCH theo phương châm “4 tại chỗ”, Ban quản lý chợ đã thành lập tổ PCCC có 4 người và trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết như bình chữa cháy, bình khí và các dụng cụ cầm tay như búa, xà beng, kìm cộng lực... Lực lượng chữa cháy thường xuyên được cơ quan chức năng huấn luyện, đào tạo các nghiệp vụ chữa cháy cơ bản, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy, nổ xảy ra. Nhờ vậy, nhiều năm qua công tác PCCC tại chợ luôn mang lại hiệu quả cao.

Còn tại chợ Khu 6 (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), để đảm bảo công tác PCCC an toàn, UBND TP Quy Nhơn đã đầu tư nâng cấp hệ thống PCCC với 2 máy bơm nước công suất lớn và thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho tổ PCCC của chợ. Ông Trương Quốc Bảo, Phó Ban quản lý chợ Khu 6, cho hay: “Chợ hiện có trên 380 hộ đăng ký kinh doanh, buôn bán. Với nhiều mặt hàng bày bán tại chợ dễ xảy ra cháy, nổ, Ban quản lý chợ đã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở bà con tiểu thương cẩn trọng trong việc sử dụng điện, sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện để đề phòng sự cố chập điện”.

Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh) cho biết: Công tác PCCC tại các chợ dân sinh luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo công tác PCCC&CNCH tại các chợ, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC cho các hộ kinh doanh. Cùng với đó, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC. Chú trọng việc quản lý chặt chẽ các loại hàng hóa dễ xảy ra cháy, nổ; kiểm soát tốt các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt. Kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương bố trí, sắp xếp hàng hóa trong quầy, sạp, ki ốt đúng phạm vi đã được quy định; không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi; đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ.

Vũ Thành