Đồng Nai phát huy tối đa vai trò của các hồ chứa nước để phát triển bền vững

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:30, 07/09/2022

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phải phát huy tối đa giá trị của mặt nước, hồ nước để vừa là nguồn cung cấp nước vừa là điểm du lịch, không gian sinh thái phục vụ nhân dân, phục vụ kinh tế của địa phương.

Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trong chuyến đi khảo sát một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Tổng năng lực phục vụ tưới hàng năm đạt trên 50,8 ngàn ha; tiêu và ngăn mặn cho hơn 9,3 ngàn ha.

Chỉ tính riêng về 18 hồ chứa (gồm 10 hồ lớn và 8 hồ vừa), trong đó Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đang quản lý 11 hồ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai quản lý 1 công trình (hồ Bà Hào), còn lại địa phương quản lý 6 công trình. Tổng dung tích các hồ chứa này là 107,2 triệu m3, tổng năng lực tưới phục vụ sản xuất 6.118 ha, tổng năng lực cấp nước thô phục vụ công nghiệp và sinh hoạt là 111.703 m3/ngày.

ho-chua-nuoc.jpg
Tỉnh Đồng Nai chú trọng bảo vệ tài nguyên nước cho mục tiêu phát triển bền vững

Về tình hình thực hiện quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện đã có 16/18 hồ thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, có 10/18 hồ đã lập và điều chỉnh quy trình vận hành. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều sử dụng tràn tự do, không có cửa van điều tiết lũ. Có 10/18 hồ lập quy trình bảo trì. Có 3/18 hồ đã kiểm định an toàn đập, đang thực hiện kiểm định 3 hồ. Có 8/18 hồ đã thực hiện sửa chữa, nâng cấp. Có 7/18 hồ đã cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ. Có 6/18 hồ đã lập và thực hiện phương án bảo vệ. Có 2 hồ đang lập và thực hiện phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh thường xuyên được kiểm tra, báo cáo hiện trạng, công tác sửa chữa trước, trong, sau mùa mưa lũ hàng năm để đảm bảo an toàn công trình và phục vụ sản xuất.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh và tổ chức hoạt động của Hội đồng theo quy định. Thành phần trong Hội đồng bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng là Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi, Thành viên Hội đồng là các sở ngành, địa phương và đơn vị được giao quản lý hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Ủy viên phản biện là Hội Thủy lợi tỉnh, Thư ký Hội đồng là Trưởng phòng Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, thuộc Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi.

Vấn đề đáng chú ý hiện nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đang quản lý 24 công trình thủy lợi, trong đó có 10 hồ chứa nước, 10 đập dâng, 2 trạm bơm điện và 2 hệ thống đê ngăn mặn. Các công trình thủy lợi do công ty này quản lý có năng lực phục vụ sản xuất khoảng 33 ngàn hec ta/ năm, trong đó tưới nước trên 23 ngàn hec ta, tiêu nước 4,7 ngàn hec ta, ngăn mặn xả phèn trên 5,9 ngàn hec ta; cấp nước thô phục vụ sinh hoạt, công nghiệp khoảng trên 90 ngàn mét khối/ ngày.

Trong những qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương và đơn vị có liên quan trong công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, điều đáng nói là cho đến nay tại các công trình thủy lợi do công ty quản lý có khoảng 172 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, 6 tháng đầu năm 2022 đã có 10 trường hợp vi phạm, ảnh hưởng đến công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do công tác phối hợp giữa địa phương và đơn vị quản lý công trình còn chưa chặt chẽ; bên cạnh đó, công tác xử lý vi phạm ở các địa phương còn chậm, thiếu kiên quyết nên chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm, việc yêu cầu đối tượng vi phạm khôi phục trạng thái ban đầu hoặc xử phạt chưa được thực hiện triệt để.

Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho biết, tình hình lấn chiếm, vi phạm đất các công trình thủy lợi vẫn còn tồn tại và chưa được xử lý dứt điểm. Phần lớn các công trình thủy lợi được xây dựng lâu năm nên đã xuống cấp. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công trình thủy lợi còn chậm.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, nước là nguồn tài nguyên quan trọng, địa phương nào có nguồn nước dồi dào sẽ có lợi thế lớn. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ có thành phố Long Thành, thành phố Nhơn Trạch, dân cư, nhà máy, khu công nghiệp phát triển thì khả năng cung cấp nước của tỉnh phải tăng lên gấp nhiều lần mới đáp ứng được nhu cầu. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu, các địa phương phải phát huy tối đa giá trị của mặt nước, hồ nước để vừa là nguồn cung cấp nước vừa là điểm du lịch, không gian sinh thái phục vụ nhân dân, phục vụ kinh tế của địa phương. Cần quan tâm công tác giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước của người dân, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ảnh hưởng đến nguồn nước, những vi phạm cần phải được xử lý nghiêm./.

Minh Anh