Cần Thơ: 25% hộ dân khu vực chợ nổi vô tư xả rác trực tiếp xuống sông

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 07:30, 10/09/2022

Dự án “Vì sông Mê Kông không rác - thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ” được khởi động từ 18-5 song kết quả kiểm toán cho thấy có khoảng 25% hộ dân sống trên khu vực chợ nổi Cái Răng còn thải rác trực tiếp xuống sông.
cho-cai-rang.jpg
Mỗi ngày, có khoảng 1 tấn rác phát sinh từ các hoạt động buôn bán, du lịch ở chợ nổi Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng và cồn Sơn là hai điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất Cần Thơ nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường, gia tăng rác nhựa cũng như xử lý rác thải đang là thách thức lớn.

Bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP.Cần Thơ cho biết hiện chợ nổi Cái Răng có trên 40 hộ sinh sống cùng 250-300 ghe, tàu mua bán giao dịch hàng ngày. Mỗi ngày, có khoảng 1 tấn rác phát sinh từ các hoạt động buôn bán, du lịch ở chợ nổi Cái Răng. Trong khi đó, các hộ dân sinh sống, buôn bán ở chợ hiện chỉ mới trang bị khoảng 100 thùng chứa rác loại 60 lít. Còn địa phương cũng bố trí các thùng rác loại từ 120 - 260 lít ở trên bờ để đưa rác từ chợ nổi tập kết và giao rác cho đơn vị vận chuyển, xử lý nhưng không thu phí.

Tuy nhiên, tại điểm du lịch nổi tiếng này, ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường của người dân nhất là việc bỏ rác đúng chỗ chưa cao. Hầu hết chủ ghe, tàu vận chuyển khách du lịch chưa thể hiện trách nhiệm trong việc phổ biến cho du khách ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều người dân và khách du lịch khi đến chợ nổi Cái Răng còn xả rác bừa bãi xuống sông...

Kết quả kiểm toán rác của dự án tại khu vực chợ nổi Cái Răng cho thấy, có tới 37% rác thải ở khu vực chợ nổi Cái Răng là rác nhựa và hiện có khoảng 25% hộ dân sống trên sống ở khu vực chợ nổi còn thải rác trực tiếp xuống sông.

Khác với chợ nổi Cái Răng, ý thức trong việc phân loại thu gom rác của người dân cồn Sơn - điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Cần Thơ lại khá tốt. Nơi đây có 76 hộ sinh sống, đều tự trang bị các thùng chứa rác thải sinh hoạt. Mỗi khi giới thiệu khách du lịch về vùng đất quê mình, người dân cồn Sơn không quên giới thiệu các sản phẩm làm ra từ cây cỏ thiên nhiên như làn cói, túi cói để vận động du khách sử dụng thay thế túi nilon.

Nhiều mô hình như hạn chế sử dụng túi nilon, giảm sử dụng chai nhựa, phân loại, tái chế rác thải nhựa; vận động khách du lịch giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần...cũng được người dân cồn Sơn thực hiện thường xuyên.

Tuy nhiên, ở cồn Sơn có một bất cập là vấn đề xử lý rác thải, nhất là các loại rác không tái chế được như ống hút, hộp xốp… Do việc vận chuyển rác thải từ cồn Sơn vào đất liền chưa được kịp thời nên nhiều hộ dân chọn biện pháp đốt rác. Chưa kể rác thải rơi vãi xuống sông và rác thải nhựa từ nơi khác theo dòng chảy tấp vào cồn Sơn chưa được thu gom, xử lý kịp thời cũng là vấn đề đáng lo ngại ở nơi đây.

Trước đó, ngày 18-5, dự án “Vì sông Mekong không rác - thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ” đã được khởi động với mục tiêu góp phần giảm 300 - 400 tấn rác thải mỗi năm trên sông Mê Kông và trực tiếp giúp đỡ hơn 150.000 người sinh sống tại nơi triển khai dự án.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia thủy học môi trường (trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, dự án cùng với chính quyền địa phương cần tiếp cận sâu và sát hơn với các cộng đồng dân cư để giúp người dân nâng cao ý thức về bỏ rác đúng chỗ, thấy rõ được tác hại của việc xả rác lên chính cuộc sống của họ. Đồng thời mở rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn; tuyên truyền với người dân, du khách hạn chế sử dụng túi nilon; trang bị thêm thùng đựng rác, tàu thuyền thu gom rác trên sông phù hợp với thực tế từng địa phương…

Lam Trinh