Giải pháp tránh phát sinh điểm nóng ô nhiễm tại các cụm công nghiệp

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 09:30, 10/09/2022

Hoạt động của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp vẫn gây nhiều lo ngại về việc chất thải rắn, nước thải, khí thải bị tuồn ra môi trường.
cn.png
Cụm công nghiệp Dương Liễu, huyện Hoài Đức giai đoạn 1.

Theo TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), các cụm công nghiệp có vai trò thúc đẩy khả năng tiếp cận và đổi mới công nghệ̣, nâng cao năng lực quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của người dân địa phương. Về mặt bảo vệ môi trường, việc có khu vực tập trung cũng giúp cho cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát, phát hiện bất cập nếu DN không tuân thủ để kịp thời ngăn chặn những nguy cơ gây tác động xấu.

Tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc xây dựng hạ tầng môi trường cũng được quy định rõ, phải bao gồm có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải; các công trình và thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và đảm bảo diện tích cây xanh.

Hoạt động của các DN, cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp vẫn gây nhiều lo ngại về việc chất thải rắn, nước thải, khí thải bị tuồn ra môi trường. Ví dụ, tại Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức), phản ánh của người dân địa phương cho biết, do không được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung nên hiện các DN, đơn vị sản xuất trong cụm công nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong xử lý nước thải, giảm thiểu nguy cơ gây hại với môi trường.

Đáng nói, Cụm công nghiệp Dương Liễu giai đoạn 2 được TP định hướng thực hiện theo mô hình phát triển xanh, sạch, không ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn nhưng cách quản lý của chủ đầu tư cho thấy khó có thể đáp ứng.

Bất cập xảy ra ngay cả những nơi đã có trạm xử lý nước thải như Cụm công nghiệp Tân Triều (huyện Thanh Trì), Cụm tiểu thủ công nghiệp Liên Hà (huyện Đan Phượng) nhưng do không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, không những gây lãng phí nguồn lực mà còn hạn chế trong công tác xử lý nguồn thải, bảo vệ môi trường.

Tại một số tỉnh, TP, tình trạng điểm nóng ô nhiễm phát sinh từ các cụm công nghiệp đã từng xảy ra do DN không tuân thủ, việc đầu tư các hạng mục xử lý nước thải, chất thải thiếu ngay từ ban đầu.

Thực tế này khiến cơ quan chức năng phải “chữa bệnh từ ngọn”, tốn nhiều công sức, tiền bạc để hỗ trợ, di dời người dân bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều giải pháp để định hướng đúng đắn trong việc mở rộng các cụm công nghiệp, tránh phát sinh điểm nóng ô nhiễm.

Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là bởi các cụm công nghiệp thế hệ cũ thường được hình thành nhằm giải quyết bức xúc liên quan đến môi trường dân sinh từng địa phương, dẫn đến cơ sở hạ tầng chưa chú trọng đầu tư nên khá manh mún, thiếu đồng bộ. Thay vì có quy hoạch, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp ngay từ khi thành lập thì công đoạn này lại gần như bị bỏ qua.

Một chủ DN tại huyện Phú Xuyên (xin giấu tên) cho biết, chi phí đầu tư mặt bằng ngày càng cao, hạ tầng khung khó đấu nối trong khi quy định mới yêu cầu DN tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm, xả thải dẫn đến nhiều lo ngại nên DN không thiết tha di chuyển hoạt động sản xuất vào cụm công nghiệp.

Trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy nhanh triển khai 41 cụm công nghiệp được phê duyệt trong giai đoạn 2018 - 2020, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, triển khai cụm công nghiệp, quản lý môi trường ngay từ giai đoạn xây dựng hạ tầng.

Cùng đó, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thường xuyên đối với các cụm công nghiệp phải thực hiện thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tế, quy định pháp luật.

Đặc biệt, cần tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường 2020, kiên quyết không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung.

Mặt khác, bổ sung chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc mà đơn vị chủ đầu tư cũng như DN hoạt động trong cụm công nghiệp đang gặp phải trong đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và triển khai chương trình sản xuất xanh, sạch tại các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp bằng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường theo định hướng chung của TP.

Còn theo chuyên gia Bùi Đức Hiển - Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và Pháp luật, đối với những điểm nóng đang gây bức xúc, có nguy cơ trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, cần có yêu cầu hoàn thiện thủ tục môi trường đầu tư hạ tầng và xử lý chất thải. Quá trình thực hiện phải được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý, đơn vị thanh tra có trách nhiệm.

Ngọc Minh