Buổi tối thứ Sáu vì Tương lai tươi sáng - Vì sao gọi là rác thải?

Tin hoạt động Hội - Ngày đăng : 12:19, 10/09/2022

Tối ngày 9/9, tại Hội trường A7, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đã diễn ra số đầu tiên của chương trình Buổi tối thứ Sáu vì tương lai tươi sáng với chủ đề Vì sao gọi là rác thải?
XEM VIDEO: Buổi tối thứ Sáu vì Tương lai tươi sáng - Vì sao gọi là rác thải?

Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình Buổi tối thứ Sáu vì tương lai tươi sáng do Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) tổ chức vào các tối thứ Sáu hàng tháng, nhằm tạo không gian trao đổi khoa học và thực tiễn với mục tiêu góp phần bảo vệ môi trường.

Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS.Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE); đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP. HCM, phóng viên Ngọc Qúy, Đài HTV; cùng hàng trăm các bạn sinh viên.

toa-dam-rac-thai-1.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm

Chỉ có khoảng 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ cho biết: "Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) phát sinh tại Việt Nam khoảng 35.624 tấn/ngày. RTSH chủ yếu phát sinh từ các khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, chợ…"

Thành phần RTSH có chứa chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học là 60%, các chất có thể tái chế hay phế liệu (nhựa, giấy, kim loại, cao su, thủy tinh) từ 15-20%, các chất có thể cháy (gỗ, da, vải…), các chất trơ (đất, cát, xà bần) trong khoảng 20-25%.

Chất thải nhựa chiếm từ 10-12% trong tổng lượng RTSH, một số thành phố lớn, thành phố có hoạt động du lịch phát triển có tỷ lệ cao hơn trung bình cả nước. Chất thải nhựa năm 2020 phát sinh gần 3 triệu tấn.

toa-dam-rac-thai-2.jpg
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ phát biểu tại buổi Tọa đàm

Tỷ lệ thu gom RTSH đô thị trung bình cả nước năm 2020 là 93,7%, nông thôn là 83% chiếm 6,3% khối lượng RTSH đô thị và 17% khối lượng RTSH nông thôn không được thu gom, bị thải ra môi trường - Chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến tại Việt Nam (chiếm khoảng 70% khối lượng), chỉ có khoảng 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Vì vậy, việc không phân loại RTSH và không tái chế phế liệu từ phân loại RTSH không chỉ gây lãng phí tài nguyên, mà còn gây những tác động xấu đối với môi trường tự nhiên như gây ô nhiễm đất, nước ngầm, ô nhiễm không khí, mùi hôi, mất cảnh quan, gia tăng phát thải khí nhà kính... Việc quản lý, xử lý RTSH không hiệu quả còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, gây xung đột kéo dài do khiếu kiện, tố cáo, PGS.TS.Phùng Chí Sỹ nói.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 1.100 cơ sở xử lý CTRSH với 381 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost, khoảng 900 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý.

Qua thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ sở xử lý chất thải tại các đô thị đặc biệt hoặc loại I thường được xử lý tập trung ở quy mô lớn; các khu vực nông thôn nhiều địa phương bố trí các cơ sở xử lý chất thải, bãi chôn lấp quy mô cấp xã. Tỉnh có nhiều cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc bãi chôn lấp lớn nhất là tỉnh Hải Dương (194 cơ sở), tiếp đến là tỉnh Nam Định (178 cơ sở), Thái Bình 124 cơ sở, sau đó là Thanh Hóa (49 cơ sở).

Chia sẻ với phóng viên của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống sau buổi tọa đàm, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ nói: Như chúng ta đã biết, rác thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tháng 2/2019, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc. Ngay sau đó, Bộ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm quản lý chất thải rắn. Đáng chú ý, trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa chất thải rắn thành đối tượng cần quản lý chặt chẽ. Thông qua đó, chúng ta cần phải cải tiến công nghệ từ thu gom, vận chuyển, lưu trữ, xử lý chất thải.

Trong quá trình xử lý chất thải rắn tại Việt Nam còn tồn tại một số khó khăn và hạn chế, theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ: Chủ yếu rác thải ở Việt Nam là chôn lấp và tỷ lệ bãi chôn lấp hợp vệ sinh còn thấp. Sau đó xảy ra tình trạng quá tải rác thải thì mang đốt rác, điều này gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn, diện tích đất chôn lấp; Phát sinh mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, sức khỏe; Nước rỉ rác kết hợp với nước mưa gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh; Nguồn rác thải thấm vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, từ đó ảnh hưởng đến nguồn nước cho tưới tiêu.

Để khắc phục tình trạng này, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chúng ta cần tăng cường xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý tổng hợp chất thải rắn. Tức là tận dụng, tái chế rác thải phục vụ sản xuất. Trong đó nhóm rác hữu cơ được dùng làm phân bón hữu cơ. Tuy nhiên do khâu phân loại rác tại nguồn chưa tốt nên chất lượng phân bón hữu cơ không tốt; Nhiều nhà máy, địa phương áp dụng công nghệ đốt rác khác nhau. Hướng quản lý rác thải hiện nay theo hướng tổng hợp, giảm tối thiểu phần chôn lấp, tăng tối đa tỷ lệ tái sử dụng.

Thời gian qua có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta xử lý công nghệ chưa triệt để. Toàn bộ sản phẩm phân loại rác tại nguồn chưa được tận dụng triệt để vì hệ thống chưa đồng bộ. Xử lý rác thải hiệu quả sẽ tạo ra nguồn tài nguyên nhưng cần đầu tư vào công nghệ, nguồn vốn. Tuy nhiên, quy mô đầu tư vào công nghệ nhỏ, độ tin cậy, hiệu quả không cao nên nhiều công nghệ không đảm bảo về môi trường. Nguồn vốn thì chưa có chính sách ưu đãi. Chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể các quy định nên nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư nhà máy xử lý chất thải. Ngoài ra, nhận thức của chủ doanh nghiệp, người dân trong vấn đề đầu tư công nghệ xử lý rác chưa cao nên người ta chưa nhận thấy lợi ích của vấn đề phân loại rác tại nguồn cũng như chưa thấy rõ tác hại của việc đổ rác bừa bãi ra môi trường dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái nói chung.

Để khắc phục những hạn chế trên, theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, các bộ ngành rất tích cực chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn, tạo động lực cho hoạt động tái chế, nhiều ưu đãi cho hoạt động sáng tạo công nghệ mới, thu hút phát triển công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để quá trình xử lý rác thải ở Việt Nam hiệu quả hơn.

rac-thai-1.png
Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ

Công tác truyền thông về rác thải nhựa và bảo vệ môi trường - Những thuận lợi và thách thức

Nói về công tác tuyên truyền, theo PV Ngọc Quý, không ít chương trình dự án kêu gọi sống xanh giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường đã và đang trở thành xu hướng phổ biến trong thời gian qua với sự vào cuộc của nhiều đơn vị từ các cơ quan ban ngành tổ chức xã hội đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đưa Việt Nam ra khỏi 4 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới thì không chỉ dừng lại ở những phong trào rầm rộ mà phải bắt tay hạn chế những loại rác thải nhựa dù là nhỏ nhất trong chính cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Có thể đến các mô hình điển hình như: Tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, những điểm thu mua lại rác thải nhựa với giá 10.000 đồng/kg cũng là cách giúp người dân hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, diện tích xã nhỏ, dân cư tập trung đông và nằm giữa biển nên công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường được dễ dàng hơn.

Hay việc người tiêu dùng tham gia vào dự án NHC - "Hành trình giải cứu rác chết" trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giúp những chiếc hộp giấy không trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng những biện pháp thay thế hoặc giảm thiểu ở mức độ vi mô chỉ trông chờ vào ý thức và thói quen của người dân như vậy là chưa đủ, nhất là khi lượng rác thải lại không được quản lý trên đất liền sẽ bị xả thẳng ra biển gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái.

rac-thai.png
Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Vai trò về chính sách, cơ chế của Nhà nước rất quan trọng liên quan đến vấn đề vận chuyển, thu gom phải đồng bộ, việc phân loại rác tại nguồn như vậy người dân sẽ đồng lòng theo.

Hãy ưu tiên lựa chọn các dịch vụ sử dụng bao bì tự hủy thân thiện môi trường

Dịch vụ giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam hiện tăng trưởng trên 11% mỗi năm. Tại các đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi rõ rệt hành vi của người tiêu dùng, khiến dịch vụ này càng "ăn nên làm ra" hơn cả kỳ vọng.Tuy nhiên, đi kèm với những đơn hàng trực tuyến là lượng rác thải từ túi nilon, hộp nhựa, ly nhựa... ngày một chồng chất. Lượng rác thải nhựa này phải mất từ 400 đến cả ngàn năm để phân huỷ hoàn toàn, thực sự là mối đe doạ tới môi trường cũng như sức khỏe của con người. Mục tiêu "nói không với rác thải nhựa" nếu không quyết liệt sẽ khó thành trong bối cảnh này.

toa-dam-rac-thai-4.jpg
Bà Phạm Thị Thúy Phượng , Giám đốc công ty TNHH Bao bì thân thiện môi trường Phương Lan phát biểu tại buổi Tọa đàm

Dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến dần trở nên quen thuộc với người dân vì sự tiện lợi còn hệ lụy của vô số những chiếc hộp nhựa, ly nhựa, muỗng nhựa và túi nilon với môi trường là vấn đề nhiều người không cần bận tâm. Những phần thức ăn, đồ ăn được đựng trong những chiếc túi nilon không thân thiện với môi trường. Rõ ràng là ở đây người bán không tuân thủ việc cắt giảm rác thải nhựa như cam kết.

Theo bà Phạm Thị Thúy Phượng, Giám đốc công ty TNHH Bao bì thân thiện môi trường Phương Lan, các chủ nhà hàng, quán ăn không phải ai cũng hiểu, cũng tiếp cận được với túi tự hủy thân thiện môi trường bởi vì người tiêu dùng họ chọn đồ giá thành rẻ để sử dụng. Giá thành của bao bì thân thiện môi trường và vật liệu nhựa khó phân hủy hiện nay được xem là cuộc đối đầu không cân sức. Hiện các nhà hàng, quán ăn lựa chọn sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường phụ thuộc vào cá nhân đơn vị kinh doanh.

Trước đây, tôi đã kết hợp với Hội Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh để phân phối túi nilon tự hủy thân thiện môi trường ra các chợ. Bây giờ là kết hợp với các doanh nghiệp, Hội Phụ nữ các cấp ở TP Hồ Chí Minh để phân phối túi tự hủy đến các nhà hàng, quán ăn, Bà Phượng chia sẻ thêm.

toa-dam-rac-thai-6.jpg
toa-dam-rac-thai-7.jpg
Khách mời cùng chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện

Sự phát triển của công nghệ là không thể trì hoãn nhưng làm gì để môi trường không trả giá cho sự phát triển ấy đặt ra câu hỏi cho mỗi người. Đôi khi sự tiện lợi quá mức khiến chúng ta thờ ơ với tương lai của môi trường và sức khỏe của chính mình. Đã đến lúc thay đổi ngay thói quen trong sinh hoạt khi đưa tay bấm đặt hàng, hãy ưu tiên chọn các dịch vụ không sử dụng bao bì nhựa.

Những định hướng mới về quản lý CTRSH

Định hướng trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam

Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050.

- Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa

- Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.

- Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

- Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa

Thay đổi cách ứng xử với chất thải:

Giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải

- Phân loại CTRSH

- Phân loại CTRCNTT

- Thúc đẩy giảm thiểu chất thải, phân loại

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính (NĐ 45/2022/NĐ-CP)

Điều 25. Vi phạm các quy định về BVMT nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư …

- Điểm a khoản 2: Phạt 100.000 đồng - 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng

- Điểm c khoản 2: Phạt 500.000 đồng- 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng

- Điểm d khoản 2: Phạt 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; thải bỏ CTN phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển

Điều 26. Vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường

- Khoản 1: Phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại

CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa

CTRSH theo quy định.

- Khoản 5: Quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, như:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các phương tiện, thiết bị không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng - 50.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí các thiết bị, phương tiện để thu gom, vận chuyển CTRSH theo quy định

Điều 29. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại

- Khoản 1: Phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại

CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa

CTRSH theo quy định.

- Khoản 5: quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, như:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các phương tiện, thiết bị không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng - 50.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí các thiết bị, phương tiện để thu gom, vận chuyển CTRSH theo quy định

Nguyễn Lương - Mai Nhân