Tây Giang (Quảng Nam): Chủ động ứng phó với thiên tai năm 2022
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:30, 13/09/2022
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường với các loại hình thiên tai cực đoan. Tại huyện miền núi Tây Giang, những năm gần đây, hiện tượng trượt lở núi và sạt lở núi xuất hiện với hàng chục điểm lớn nhỏ trên suốt chiều dài đoạn đường ĐT606 từ xã Lăng và các xã biên giới.
Theo UBND huyện Tây Giang, vùng có nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn huyện gồm các thôn Ating, Arooi, Dading (xã Ga Ri); thôn H’júh, Cha’lăng, Dhung (xã Ch’Ơm); thôn Arâng, Ariing (xã A Xan); thôn Abaanh II, Ariêu, Voong, Dâm I, Dâm II (xã Tr’Hy); thôn Tà’ri, Nal, Aró (xã Lăng); thôn Atêếp, Đang, Bhloóc, Azdốc (xã Bha Lêê); thôn Ga’lâu, T’ghêy, Xa’ơi (xã A Vương); thôn Alua, Arui, Tưr (xã Dang).
Nguyên nhân của trượt lở, sạt lở, theo các chuyên gia là huyện miền núi Tây Giang có địa mạo, địa chất phức tạp, độ dốc của các sườn núi khá lớn. Khi xuất hiện mưa lớn kéo dài nhiều ngày, cùng với tác động của con người như san ủi mặt bằng bố trí dân cư, mở đường giao thông đã gây ra trượt lở đồi núi, sườn dốc nhiều nơi.
Xã Ch’Ơm là địa phương có nhiều vị trí sạt lở, trượt lở nặng ở một số tuyến và khu vực nhân dân sinh sống. Do ảnh hưởng từ đợt mưa lũ trước, chính quyền địa phương đã sơ tán 70 hộ ở thôn Cha’lăng vào khu dân cư mới.
Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, địa phương đã chủ động các phương án, rà soát tất cả điểm xung yếu trước mùa mưa bão năm nay. Tuyến ĐT606 qua địa bàn huyện và tuyến Trường Sơn qua xã Bha Lêê và A Vương đã được bảo trì, nâng cấp, song nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn. Huyện đã bố trí lực lượng, phương tiện để ứng phó khi có sạt lở xảy ra, chỉ đạo các biện pháp thông tuyến cấp bách, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại.
Tây Giang còn đứng trước nhiều loại hình thiên tai khác như lũ quét, lũ ống, dông lốc sét, hạn hán, cháy rừng, sương mù... Toàn huyện có 10 xã, 63 thôn, 115 điểm bố trí dân cư, vẫn còn có 254 nhà ở đơn sơ, nhiều nhà ở bán kiên cố, thiếu kiên cố.
Một số vùng có nguy cơ ảnh hưởng ngập lụt, lũ quét do người dân sinh sống ven sông, suối như: thôn Glao (xã Ga Ri), thôn Ki’nonh (xã A Xan); các thôn Ta Vang, Ahu, Achiing (xã A Tiêng); thôn Azứt (xã Bha Lêê); các thôn Aréc, Aur, T’ghêy, Cr’toonh, Xa’ơi (xã A Vương).
Mỗi năm, trên địa bàn huyện có từ 6 - 10 đợt dông tố, tập trung từ tháng 4 đến tháng 9, các xã đều có thể xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá. Đây là loại hình thiên tai gần như không thể dự báo trước được, nó thường xảy ra bất ngờ, phạm vi nhỏ nhưng sức tàn phá lớn.
Theo ông Lê Hoàng Linh, để chủ động phòng chống thiên tai trong năm 2022 và những năm đến, trước hết, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống thiên tai cho nhân dân trên địa bàn, nhất là nhân dân ở những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét được đẩy mạnh.
Ban chỉ đạo huyện và các xã đã lên phương án, kịch bản sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai, các tình huống thiên tai khẩn cấp, bất thường với các cấp độ ứng phó. Chủ động rà soát các điểm dân cư nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai (lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất) để có giải pháp xử lý kịp thời.
Dự phòng đầy đủ vật tư nông nghiệp, vật tư y tế, vật liệu xây dựng, phương tiện, lương thực, các nhu yếu phẩm. Tổ chức tốt công tác trực 24/24, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến thiên tai. Tổ chức trồng cây gây rừng, hạn chế diện tích keo hoá rừng...
Cũng theo ông Linh, để nâng cao hiệu quả ứng phó với thiên tai, huyện đã kiến nghị tỉnh đầu tư hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho các địa phương khu vực miền núi.
Đầu tư, trang bị bổ sung các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Đào tạo tập huấn và bổ sung trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở...