Lâm Đồng: Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 18:00, 13/09/2022
Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Chính sách chi trả DVMTR tại Lâm Đồng đã được triển khai thực hiện từ năm 2011. Có 68 đơn vị chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm 44 nhà máy sản xuất thủy điện, 19 cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch, 5 cơ sở sản xuất công nghiệp. Bình quân tiền dịch vụ môi trường rừng chi 250 tỷ đồng/năm cho 350.000 ha rừng cung ứng của các chủ rừng, chiếm 72% diện tích rừng toàn tỉnh. Có thể nói, thời gian qua, chính sách chi trả DVMTR đã tạo nguồn tài chính ổn định, giảm nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả DVMTR đã góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, giữ vững trật tự kỷ cương pháp luật cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững; Quỹ đã thực hiện ký kết phối hợp tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR với các tổ chức đoàn thể xã hội như Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh,... Mục đích của việc ký kết là lồng ghép tuyên truyền, nâng cao hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR, quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thông qua các tổ chức chính trị, xã hội.
Những năm qua, thực hiện chương trình ký kết tuyên truyền này, Đoàn Thanh niên tỉnh Lâm Đồng chính là một trong những lực lượng tiên phong đã phát huy được vai trò xung kích, sáng tạo trong tham gia tuyên truyền nâng cao ý thức và nhận thức của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên và cũng chính là một trong những lực lượng quan trọng trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Các đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã có rất nhiều hoạt động phối hợp để tổ chức các chiến dịch truyền thông về môi trường, về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh, trồng rừng theo chuỗi các sự kiện, các ngày lễ lớn và thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Các hoạt động của đoàn viên, thanh niên thời gian qua đã lan toả và góp phần vào việc tuyên truyền có hiệu quả các hoạt động về bảo vệ rừng, trồng rừng và về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Với thế mạnh của tuổi trẻ đầy năng động và sáng tạo, lực lượng này đã đa dạng hóa được các nội dung tuyên truyền đến nhiều đối tượng và triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương.
Đối với Hội Phụ nữ, hưởng ứng Phong trào “Toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng phát động, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các cơ sở hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, qua đó, vận động trong hội viên và Nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hội Nông dân các cấp cũng có hiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và Nhân dân địa phương về giá trị của rừng đối với việc phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình hội viên, đồng thời thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái đối với đời sống con người. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Từ đó mọi người, mọi nhà tích cực, quan tâm đến bảo vệ môi trường, làm cho phong trào trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trở thành phong trào hoạt động thường xuyên của hội.
Có thể nói rằng, việc các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia vào các hoạt động tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và về chính sách chi trả DVMTR chính là “cầu nối” quan trọng đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhờ đó việc bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng.
Tăng đơn giá quản lý bảo vệ rừng lên gần 400 nghìn đồng/ha/năm
Theo Quyết định 1517/QĐ-UBND ngày 26/8/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đơn giá đặt hàng quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp trực tiếp quản lý là 392.000 đồng/ha/năm.
Đơn giá đặt hàng quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên đang khoán từ nguồn ngân sách tỉnh của các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp là 302.000 đồng/ha/năm.
Trước đó, theo Quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 27/9/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì đơn giá đặt hàng quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên đối với các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang giao khoán bằng nguồn ngân sách tỉnh là 254.000 đồng/ha/năm.
Trong năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chi gần 12,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng để đặt hàng các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Trong đó, kinh phí quản lý, bảo vệ rừng năm 2021 là hơn 6,2 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí còn lại sau quyết toán tại các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp năm 2020 là gần 2,1 tỷ đồng; kinh phí cân đối quản lý, bảo vệ rừng năm 2022 gần 4,2 tỷ đồng.
Cụ thể, 8 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh được đặt hàng quản lý, bảo vệ hơn 72.088 ha rừng.
Ba đơn vị được đặt hàng quản lý diện tích rừng lớn nhất là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Lộc Bắc với gần 21.300 ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Bảo Lâm với gần 15.190 ha và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh với hơn 14.802 ha.
Các diện tích rừng còn lại giao cho 5 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Di Linh, Đạ Huoai, Đơn Dương, Bảo Thuận và Tam Hiệp.