Đồng Tháp muốn phục hồi đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 09:00, 15/09/2022
Ngày 14/9, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin được tiếp nhận 2 con sếu đầu đỏ từ Lào về nhận nuôi tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Theo đó, công văn nêu rõ: Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã Lào đã thống nhất chuyển giao 2 cá thể sếu đầu đỏ (Grus antigone) cho Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp với mục đích bảo tồn, nhân nuôi và phát triển.
Sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm thuộc nhóm IB theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; đồng thời thuộc phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Đồng Tháp đang được quan tâm, trong đó Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi sinh sống của nhiều loài chim quý, hiếm trong đó có sếu đầu đỏ. Đồng thời, sếu là biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim, việc đưa loài này trở lại Tràm Chim là phù hợp với sinh cảnh sống của loài, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững sếu đầu đỏ.
Tuy nhiên, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 29 có quy định: "Dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh) đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép…".
Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng 9 này, đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ sang Thái Lan thống nhất nội dung hợp tác chuyển trứng sếu về Vườn quốc gia Tràm Chim để gầy lại đàn sếu. Nếu thuận lợi, địa phương sẽ đạt được thoả thuận chuyển giao trứng sếu đưa về nước trong năm nay.
Cùng thời gian này, Vườn quốc gia Tràm Chim chuẩn bị cơ sở vật chất để ấp trứng (khoảng 30 ngày), nuôi và huấn luyện con non theo quy trình chuyển giao. Vài năm sau, sếu đầu tiên sẽ được thả ra tự nhiên. Dự án tính toán mỗi năm thả thành công 10 con, trong 10 năm vườn có 100 con sếu. Với số lượng như vậy, đàn sếu có thể tự sinh sản ngoài tự nhiên với mức độ đa dạng, duy trì quần thể.
Đây là lần đầu tiên Đồng Tháp có dự án nuôi ấp đối với sếu đầu đỏ, vì từ trước đến nay loài chim này thường sinh nở ở Campuchia sau đó di cư về Tràm Chim từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vườn quốc gia này rộng 7.500 ha, là khu đất ngập nước, được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 thế giới và thứ tư của Việt Nam. Nơi đây từng ghi nhận nhiều sếu - động vật nằm trong sách đỏ cần bảo tồn - nhất Đông Nam Á, có lúc hơn nghìn con vào những năm 1990.
Tuy nhiên, gần đây, số lượng sếu về Tràm Chim ngày giảm mạnh. Thống kê, những năm 2014-2016 có 14-23 con về mỗi năm. Năm 2017 chỉ có 3 con. Năm 2018, có 9 con và năm sau là 11 con về vườn. Đáng chú ý năm 2020 và 2022 không có con sếu nào về.
Sếu đầu đỏ phương Đông là loài di cư có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg.
Số liệu quan trắc hàng năm của Hội sếu quốc tế cho thấy đàn sếu phương Đông chủ yếu ở Việt Nam và Campuchia đã giảm hơn 80% trong 10 năm trở lại đây, hiện chỉ còn khoảng 160 con, tỷ lệ giảm trung bình 8% mỗi năm. Với tốc độ suy giảm nhanh như như vậy, tổ chức này dự báo tương lai không xa đàn sếu phương Đông có thể hoàn toàn biến mất.