Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ môi trường

Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 18:30, 17/09/2022

Bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) cũng là bảo vệ sự đa dạng về loài, cá thể trong loài và cũng chính là bảo vệ môi trường sinh thái.
hn.jpg
Lực lượng Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với các đơn vị tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Trên thế giới có khoảng 15 triệu loài sinh vật, mỗi loài đều nằm trong một mắt xích hoặc nhiều mắt xích quan trọng của chuỗi thức ăn tự nhiên. Sự biến mất của một loài sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn bộ cấu trúc đã diễn ra theo quy luật của hàng chục triệu năm nay. Một số loài chủ chốt trong thế giới tự nhiên biến mất cũng đồng nghĩa với nguy cơ biến mất của những loài lân cận. Vì thế, bảo vệ ĐVHD cũng là bảo vệ sự đa dạng về loài, cá thể trong loài và cũng chính là bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ ban hành có đề ra mục tiêu cần phải bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, chiến lược đặt ra những chỉ tiêu rất cụ thể như đến năm 2030 phải cải thiện được tình hình của tối thiểu 10 loài đang bị đe dọa, không có thêm loài nguy cấp nào bị tuyệt chủng…

Chiến lược cũng đề ra các nội dung chủ yếu thực hiện, thúc đẩy công tác bảo tồn các loài hoang dã, nhất là các loài ĐVHD nguy cấp bằng các biện pháp điều tra, đánh giá và liên tục cập nhật, công bố danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm để có biện pháp bảo tồn. Chẳng hạn, tăng cường thiết lập hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, những mạng lưới trung tâm cứu hộ, thực hiện các giải pháp để giảm mối đe dọa tới các ĐVHD.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, Chi cục đã sớm nhận thức tình trạng săn bắt, bẫy các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn TP, đặc biệt dọc hai bên sông Hồng diễn ra phức tạp. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có các biện pháp bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.

Do đó, từ năm 2020, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã xây dựng đề án bảo tồn các loài ĐVHD có nguồn gen quý hiếm, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư dọc hai bên sông Hồng (nơi có nhiều loài chim hoang dã, di cư trú ngụ). Song song với đó, tính đến hết tháng 8/2022, Chi cục đang duy trì quản lý 227 cơ sở nuôi ĐVHD với 64.365 cá thể. Các cơ quan chức năng đã cấp mã số cho 153 cơ sở nuôi ĐVHD.

Nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác bảo tồn ĐVHD và sự đa dạng sinh học, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã và sự đa dạng sinh học. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ các loài ĐVHD, sự đa dạng sinh học cho người dân, học sinh, chủ các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm, người dân tại các khu chợ bán chim cảnh… trên địa bàn TP.

UBND TP chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ việc nuôi nhốt động vật; không để người dân lợi dụng việc gây nuôi nhằm buôn bán ĐVHD trái phép; chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các đối tượng vi phạm. Cùng với đó, UBND TP cũng tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong công tác bảo tồn ĐVHD, tạo sự đa dạng sinh học.

Ánh Minh