Hải Dương: Hơn 2.000 hộ dân Nam Trung đồng lòng phân loại rác thải tại nguồn
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:30, 20/09/2022
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 22.3.2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách về thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện, xã Nam Trung đã thành lập Ban Chỉ đạo với hơn 100 người là cán bộ, công chức xã, thôn và các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương. Đây là Ban Chỉ đạo lớn nhất từ trước đến nay ở xã Nam Trung, góp phần quan trọng trong tổ chức phân loại rác thải tại nguồn.
Từ chỉ đạo đến thực hiện, Đảng ủy xã Nam Trung chú ý từ những khâu đầu tiên, việc nhỏ nhất. Xã chi kinh phí mua sơn, dụng cụ phát cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo từng thôn để sơn thùng phân loại rác hữu cơ, vô cơ, viết tên các hộ vào thùng rác.
Kế hoạch kiểm tra tình hình phân loại rác được thực hiện đều đặn mỗi tháng. Thời gian đầu, Ban Chỉ đạo kiểm tra hằng ngày để phát hiện người dân chưa phân loại hoặc phân loại chưa đúng, kịp thời hướng dẫn, xử lý.
Từ ngày 1.9, Ban Chỉ đạo kiểm tra 2 ngày/lần. Các thành viên kết nối, báo cáo kết quả kiểm tra hằng ngày trong một nhóm Zalo. Sau mỗi cuộc kiểm tra, các thành viên phải ghi lại hình ảnh. Xã nêu rõ không có ảnh coi như không đi kiểm tra và có phương án xử lý.
Trước đó, hàng nghìn cuốn sổ tay kiến thức phân loại rác thải tại nguồn được gửi đến từng hộ. Ban đầu, nhiều hộ dân phản đối thực hiện vì chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của phương pháp này. Bên cạnh đó, nhiều hộ thực hiện chưa nghiêm.
Ông Vũ Đình Khái, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Mạn Đê, thành viên Ban Chỉ đạo cho biết: "Thời gian đầu thực hiện, nhiều người dân còn nhầm lẫn các loại rác vô cơ, hữu cơ như vỏ ốc, vỏ trai, các loại giấy... khiến việc phân loại chưa triệt để gây mùi hôi thối, rác khó phân hủy. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã hướng dẫn cụ thể từng trường hợp để người dân hiểu rõ quá trình thực hiện. Đến nay, người dân cơ bản đã xác định được rõ rác vô cơ, hữu cơ, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động".
Với hơn 2.000 hộ dân, gần 6.400 nhân khẩu sinh sống thường xuyên tại địa phương, để đạt 100% số hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng nhờ sự đồng lòng của người dân.
Thời gian đầu, mức thu phí và tần suất vận chuyển rác thải ở các thôn chưa đồng đều gây nhiều tranh cãi, xã Nam Trung đã in phiếu lấy ý kiến về việc tăng tần suất, tăng phí vận chuyển và áp dụng đồng loạt trên địa bàn xã.
Mỗi người dân sau khi cho ý kiến giữ một bản và Ban Chỉ đạo thu về một bản. Kết quả, hơn 98% số dân đồng lòng với mức thu 6.000 đồng/khẩu và thu rác 4 lần/tuần (2 lần thu rác hữu cơ, 2 lần thu rác vô cơ).
Bên cạnh đó, nhờ sự chuyển biến trong nhận thức, nhiều người dân trở thành những người giám sát thực hiện phân loại rác thải tại nguồn của những hộ xung quanh, chủ động nhắc nhở, báo cáo khi phát hiện trường hợp thực hiện chưa nghiêm. Trong quá trình thu gom, tổ thu gom phát hiện rác chưa được phân loại đúng sẽ để lại, báo cáo Ban Chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
Chiều 24.8 vừa qua, xã Nam Trung, huyện Nam Sách đã thu hơn 15 tấn phân hữu cơ (phân compost) tại ô ủ rác tập trung. Đây là xã đầu tiên của huyện Nam Sách thu được mẻ phân hữu cơ từ việc phân loại rác tại nguồn và ủ rác hữu cơ thành phân bón. Phân hữu cơ thu được đạt chất lượng khá tốt, khô ráo, không mùi, tơi xốp và được vận chuyển đến một số hộ dùng để chăm bón cây trồng, cây cảnh.
Dự kiến, xã Nam Trung sẽ tiếp tục thu được mẻ phân mới trong tháng 10 với chất lượng tốt hơn mẻ phân trước đó. Trước đây, đường làng ngõ xóm thường nhiều nhiều rác, những túi rác lớn nhỏ ngổn ngang thì nay nhiều người đã chủ động dừng xe, nhặt rác trên đường vứt đúng nơi quy định. Cảnh quan làng quê cũng sạch sẽ, văn minh hơn hẳn. Đây cũng là một bước tiến quan trọng để xã Nam Trung tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022.
Trao đổi về kinh nghiệm tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở địa phương, ông Nguyễn Văn Bền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết: "Khó khăn lớn nhất trong triển khai phân loại rác thải tại nguồn là tạo sự thay đổi trong nhận thức của người dân, thay đổi một thói quen đã tồn tại từ lâu và nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác. Công tác tuyên truyền cần được chú trọng hàng đầu, song song với đó là sự chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra sát sao, hướng dẫn hằng ngày".