Làm thế nào để thí sinh chưa trúng tuyển đại học đợt 1, có thể đỗ đợt bổ sung?

Giáo dục - Ngày đăng : 16:46, 21/09/2022

Thường xuyên cập nhật thông tin tuyển sinh đợt bổ sung của các trường đại học để kịp thời đăng ký là cách để những thí sinh chưa trúng tuyển đại học đợt 1 có thể đỗ đợt bổ sung.
xac-nhan-nhap-trg.jpg
Sau khi Bộ GD-ĐT mở hệ thống để thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 nhập trường, nhiều trường đại học bắt đầu báo tuyển sinh bổ sung.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia lưu ý là thí sinh cần tìm hiểu kỹ để tìm được ngành mình yêu thích và có mức điểm phù hợp chứ không nên chọn bừa, chọn đại để rồi sau đó theo học thì không hào hứng mà bỏ dở dang thì lại tiếc thời gian đã học.

Sau khi Bộ GD-ĐT mở hệ thống để thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 xác nhận nhập học trực tuyến, một số trường đại học bắt đầu có thông báo trúng tuyển bổ sung một số ngành chưa đủ chỉ tiêu.

Trường Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) thông báo tuyển bổ sung cho 4 ngành (chương trình đào tạo chất lượng cao) là Quản trị và an ninh, Quản trị doanh nghiệp và công nghệ, Marketing và truyền thông, Quản trị nhân lực và nhân tài. Nhà trường quy định thời gian nộp hồ sơ tuyển bổ sung là từ ngày 16/9 đến trước 17h ngày 2/10.

Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế do trường đại học nước ngoài cấp bằng cho tới khi hết chỉ tiêu.

Các ngành tiếp tục tuyển sinh là Quản lý (chuyên sâu về Marketing và khởi nghiệp) do ĐH Keuka (Mỹ) cấp bằng; Kế toán và tài chính do ĐH East London (Vương quốc Anh) cấp bằng; Quản trị khách sạn, Thể thao và du lịch do ĐH Troy (Mỹ) cấp bằng.

Học viện Ngân hàng cũng vừa thông báo tuyển sinh bổ sung các ngành đào tạo quốc tế hợp tác với Đại học Anh quốc các ngành như Ngân hàng và Tài chính Quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing Kỹ thuật số. Khối tuyển sinh là A00, A01, D01, D07, mỗi ngành tuyển bổ sung 49 chỉ tiêu.

Phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia, xét tuyển dựa trên Chứng chỉ A-Level, Chứng chỉ SAT, Bằng Tú tài quốc tế.

ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng cho biết sẽ nhận hồ sơ tuyển sinh bổ sung theo hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Ở trình độ đại học, trường tuyển bổ sung cho 8 ngành đào tạo là Thiết kế thời trang, Kế toán, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Marketing, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Quản lý công nghiệp; Công nghệ Sợi, Dệt, và Công nghệ May. Thời gian nhận hồ sư xét tuyển bổ sung từ ngày 22/9 đến ngày 30/9.

Ở phía Nam, các trường ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM, đại học Giao thông vận tải TP.HCM, đại học Nha Trang, Học viện Hàng không Việt Nam,…đều thông báo tuyển sinh bổ sung chủ yếu ở các ngành còn thiếu chỉ tiêu như: Quan hệ công chúng; Kế toán; Tài chính ngân hàng; Công nghệ vật liệu; Quản lý năng lượng; Công nghệ chế biến thuỷ sản; Công nghệ kỹ thuật môi trường. Quản lý tài nguyên và môi trường,…Theo Ths Dương Trần Minh Đoàn, Trưởng phòng Hướng nghiệp và Tuyển sinh ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM, hiện tại trường đang xét tuyển bổ sung các ngành như Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Marketing, Bất động sản, Kinh doanh quốc tế, Quản lý thể dục thể thao. Thí sinh có nguyện vọng có thể đăng ký đến hết ngày 5/10.

Năm nay cả nước có hơn 600.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, trong khi đó, số lượng tổng chỉ tiêu của các trường đại học trên cả nước khoảng 550.000. Như vậy vẫn sẽ còn một lượng lớn thí sinh không có vé vào đại học.

Thầy Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, nhiều trường hợp thí sinh có điểm rất cao nhưng vẫn trượt trong đợt xét tuyển lần 1. Điều này thực sự đáng tiếc bởi dù điểm cao nhưng chưa chắc khi xét tuyển bổ sung thí sinh đã có cơ hội. Những trường tốp trên thường rất ít xét tuyển bổ sung. Bởi vậy cũng có nhiều thí sinh buộc phải học những ngành không yêu thích, chỉ để đỗ ĐH. Thầy Lý nhấn mạnh, khi xét tuyển bổ sung, thí sinh nên hiểu mình cần học đại học hơn hay cần học đúng ngành mình yêu thích hơn.

Các chuyên gia lưu ý thí sinh không trúng tuyển đợt 1 nên nghe tư vấn từ sớm, tìm hiểu kỹ để chọn đúng ngành mình yêu thích – đây là điều quan trọng nhất, tiếp đó cần đối sánh giữa điểm thi và điểm chuẩn nguyện vọng 2 của các năm trước, nếu điểm thi cao hơn điểm chuẩn những năm trước từ 1-2 điểm thì sẽ khá an toàn cho thí sinh.

“Ngoài con đường đại học, thí sinh vẫn còn nhiều lựa chọn khác như du học, hoặc tham gia các trương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam, học cao đẳng, trung cấp nghề…Đừng vì chưa trúng tuyển được ngành mong muốn mà chọn tạm một ngành nào đó học chờ năm sau thi lại thì rất lãng phí. Mỗi người sinh ra không phải chỉ có thể làm một nghề duy nhất, các em nên tìm hiểu kỹ về các ngành nghề để có thêm sự lựa chọn phù hợp”, một chuyên gia nhận xét.

Hà My