Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, thực hiện các giải pháp phù hợp ổn định thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 15:00, 22/09/2022

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân.
xuat-khau-gao.jpg
Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 6263/VPCP-KTTH ngày 21/9/2022 về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và tác động đến việc sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Công văn nêu rõ, ngày 15/9/2022, truyền thông đưa tin “Chuyện gì sẽ xảy ra khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo?”: Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm (có hiệu lực từ sau ngày 15/9/2022).

Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ).

Nguyên nhân chính là do Chính phủ Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về nguồn cung suy giảm và lạm phát giá lương thực…

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu thông tin nêu trên để theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các bộ.

Trước đó, ngày 8/9/2022, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành thông báo số 31/2015-2020, quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm (broken - rice), mã HS 1006.40.00, có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.

Một số lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15/9 nếu đáp ứng được một trong các điều kiện: Hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này; Hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ; Lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được Hải quan đăng ký trên hệ thống.

Bên cạnh đó, ngày 8/9/2022, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng ban hành thông báo số 49/2022-Customs về việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo như: thóc (HS 100610), gạo lứt (HS 10620) và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati (HS 10063090). Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 09/9/2022.

Một số nhà xuất khẩu cho rằng, quyết định của Chính phủ là quá bất ngờ, gây khó khăn cho các hợp đồng đã ký. Người mua không thể trả thêm 20% giá lô hàng và người bán cũng không thể bỏ ra 20% tiền thuế xuất khẩu. Ông V.K Rao, Chủ tịch hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết “Biện pháp của Chính phủ sẽ thúc đẩy giá gạo toàn cầu. Giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt 400 USD một tấn từ mức 350 USD hiện nay trên cơ sở giao hàng tự do”. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ sẽ yêu cầu chính phủ miễn thuế đối với khoảng 2 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa được vận chuyển.

Biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Đồng thời việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức săn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này Trung Quốc (nhập 1,1 triệu tấn năm 2021) và Việt Nam (nhập 433 nghìn tấn năm 2021).

Trong năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo nhiều hơn tổng số gạo của 4 nước xuất khẩu lớn gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.

Nguyên Lâm