Nhiều ấn tượng về công tác bảo vệ môi trường của Chùa Ba Vàng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:18, 22/09/2022
Quả thực, không có ngọn lửa nào mãnh liệt và bền bỉ như ngọn lửa từ tâm. Để có được trái ngọt của ngày hôm nay là nỗ lực không ngừng thắp lên từ niềm tin và sự kiên trì của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng. Trải qua hành trình đầy rẫy chông gai để kiến tạo nên một ngôi chùa bề thế, nối tiếp bề dày lịch sử, tạo nên giá trị trường tồn của chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh sẽ chẳng thể nào quên được hình ảnh về một ngôi chùa thiếu thốn trăm bề, vì vậy mà Đại đức Thích Trúc Thái Minh luôn trân quý từng giọt nước và luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để chùa Ba Vàng luôn có dòng nước mát lành để sử dụng, cỏ cây xanh tốt, vạn vật sinh sôi. Chính lẽ đó, Đại đức Thích Trúc Thái Minh rất coi trọng giáo dục các Tăng ni, Phật tử, du khách gần xa khi về chùa luôn biết yêu thiên nhiên, có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, chùa Ba Vàng luôn là lá phổi của TP. Uông Bí, trở thành miền đất Phật – nơi đất lành, chim đậu, thông reo, nước chảy hiền hòa.
Ly kỳ chuyện tìm nguồn nước sạch cho Chùa
Chùa Ba Vàng tọa lạc ở ngọn núi cùng tên, thuộc TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Nằm ở độ cao 340m, với địa thế đẹp phía trước là sông, phía sau là núi, hai bên là rừng thông được ví như có Thanh Long, Bạch Hổ chầu phục, chùa Ba Vàng đã làm say lòng biết bao du khách.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho biết: Ngôi chùa nằm trên núi cao hơn 300 mét so với mực nước biển, không có nước. Khi ấy, trong chùa chỉ có duy nhất một cái giếng nhỏ – còn được gọi là giếng thần, gánh được khoảng chục gánh nước là cạn. Muốn lấy nước để dùng sẽ phải chờ qua đêm. Nguồn nước là sự sống nhưng nước lại bị khan hiếm vô cùng: Nước vừa dùng cho sinh hoạt, đồng thời để tưới vào gốc cây mận, cây đào. Rồi cứ mỗi độ trời cho mưa, các thầy cùng mấy bà con ở chùa chắt chiu từng giọt nước bằng cách mang chậu ra hứng nước.
Từ chính sự khan hiếm về nguồn nước đã thôi thúc Đại đức Thích Trúc Thái Minh đi tìm nguồn nước. Đại đức Thích Trúc Thái Minh xúc động kể: “Thầy đã trèo đèo, lội suối đi tít vào rừng sâu và thấy được mạch nước ngầm nhưng thầy không nghĩ có thể đưa được nước về chùa và kể lại cho bà con nhân dân. Bà con nói, sao có thể đưa được nước về đây, vì trong đó thấp hơn chùa. Nhưng trong thâm tâm thầy vẫn nghĩ phải kiểm tra và thầy đã đi mua 100m ống tiêu. Rồi mấy thầy trò đổ nước vào ống và đi đánh mực nước, đánh thăng bằng vào mạch nước ngầm suốt mấy chục mét đường để khắc vào gốc cây. Từ nơi có mạch nước ngầm trong rừng sâu về đến chùa là đoạn đường dài mấy cây số với hàng trăm cái dấu. Khi leo lên dốc thì đánh dấu cộng, xuống lại đánh dấu trừ. Và đi 3 ngày mới về đến chùa. Sau khi đánh xong dấu thì cộng trừ cho ra con số dương 35m – nghĩa là mạch nước ngầm cao hơn chùa 35m. Khi đó thầy mừng và báo cho bà con có thể lấy được nước về chùa. Sau 2 lần đo rồi tính toán dựa theo nguyên lý của nước để thầy quyết định lấy nước từ trong rừng về chùa”.
Sau đó Đại đức Thích Trúc Thái Minh khi ấy đã vận động mọi người ủng hộ kinh phí mua đường ống dẫn cắm vào trong mạch nước kéo nước về.
“Khi nước về, thực sự là sung sướng vô cùng, niềm vui như vỡ òa, hàng trăm bà con cùng nhau lên chùa trong niềm hân hoan. Vì chưa bào giờ chùa Ba Vàng có nguồn nước như thế này. Các cụ sung sướng vỗ tay rồi hứng nước rửa mặt. Từ nồi niêu, xoong chảo cho tới cái bát bị sứt, các cụ cũng mang ra để hứng nước”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhớ lại.
Ngày đó, cứ đến mùa thu, cây cối trong khuôn viên của nhà chùa héo úa và chỉ hồi sinh khi có mưa. Từ khi kéo được nguồn nước về chùa, cây cối quanh năm tươi tốt.
Khó khăn như chưa thôi thử thách lòng người, theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh: “Nếu có một mình thầy thì một đường ống là đủ nước. Nhưng sau này, thầy có đại chúng, đệ tử, nhu cầu về nguồn nước tăng lên, vì vậy, mạch nước ngầm đó không đáp ứng đủ”.
Trong rừng có những vực trũng xuống tạo thành các hồ nước. Nên Đại đức Thích Trúc Thái Minh nghĩ phải biến những vực trũng đó thành các hồ chứa nước. Hiện nay, chùa Ba Vàng dùng bình quân từ 300-500m3 nước/ngày. Với những dịp lễ, lượng nước sử dụng lên đến cả nghìn m3 nước/ngày. Mạch nước ngầm kia không đủ.
Vấn đề là nước ở hồ không đảm bảo bằng nước từ mạch ngầm. Nước ở hồ dẫn về sẽ phải lọc nhưng nước trong núi có thể uống trực tiếp. Điều này lại là một khó khăn cho Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng khi ấy. Ban đầu vì phải lọc bằng than, sỏi, cát nên nước vẫn có mùi. Sau này, được sự hỗ trợ từ Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh thiết kế, chế tạo, lắp đặt mà chùa đã có nhà máy lọc nước. Hiện tại, nước từ nhà máy này còn dùng làm nước đóng chai cho các lễ hội lớn của chùa Ba Vàng.
Được biết, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã làm đơn xin TP. Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh có thể thực hiện quy hoạch khu vực hồ nước, xây dựng nơi đây trở thành đập hồ nước lớn với sức chứa 400.000 - 500.000m3 khối nước không những phục vụ nhà chùa mà còn phục vụ công tác du lịch (ở đó có mạch nước nhỏ nên chảy thành suối – gọi là suối Lựng xanh).
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Ở chùa, thầy cũng cho đào mấy hồ với sức chứa gần chục nghìn m3 nước để dự trữ nước và bơm nước từ hồ lên dùng. Do vậy, nguồn nước về chùa Ba Vàng hiện khá dồi dào”.
Tuy nhiên nguồn nước nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm do khói bụi đen kịt từ Nhà máy Nhiệt điện xả ra và chủ yếu xả khói về ban đêm. Khói bụi là bụi mịn nhẹ, bay lơ lửng thấm vào lá cây, lá cây rơi xuống mặt hồ từ đó gây ô nhiễm nguồn nước. Không những vậy, bụi mịn còn ảnh hưởng đến môi trường không khí, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ thêm: Tỉnh Quảng Ninh cũng đã đồng ý với đề xuất dự án quy hoạch đập hồ nước lớn và giao cho TP. Uông Bí lập quy hoạch, chùa Ba Vàng sẽ đầu tư xây dựng. Nên nhà chùa mong muốn sớm hoàn thiện quy hoạch hồ nước trong rừng để tạo cảnh quan đẹp phục vụ du lịch và tạo nguồn nước cho chùa Ba Vàng cũng như tạo nguồn nước dồi dào cho suối lượng xanh. Điều này có thể phục vụ nguồn nước cho chùa để trữ nước trong mùa khô với dung tích chứa từ 400.000 – 500.000 khối nước.
Nhân quả tốt lành của việc bảo vệ môi trường
Phía trước là sông dài, phía sau tựa lưng vào núi và hai bên là rừng thông trải dài xanh ngát. Nên miền đất Phật linh thiêng chùa Ba Vàng giữa đại ngàn thông xanh luôn được đón nhận khí hậu ôn hòa, nguồn nước mát lành, nắng và gió chan hòa toát lên vẻ linh thiêng và uy nghi nhưng rất đỗi nên thơ. Để bước chân của Tăng ni, Phật tử cũng chậm rãi, lòng người hoan hỉ hành hương chiêm bái ngôi chùa dù là dự lễ hay cuộc sống bình dị ngày thường quanh năm.
Khuôn viên trong chùa luôn thoáng đãng, sạch đẹp, cỏ cây hoa lá tốt tươi. Điều đặc biệt là mặc dù quần thể chùa Ba Vàng khá rộng nhưng luôn được giữ vệ sinh sạch đẹp, không hề có rác vương vãi. Những hàng cây xanh không chỉ tạo bóng mát cho ngày nắng gắt, hồ nước hiền hòa nằm nép mình bên bức tường bích họa cong cong uốn lượn, tất cả tạo nên bầu không khí trong lành, mát mẻ, êm đềm. Chiều chiều được thả hồn mình trong vườn hoa đầy hương sắc dịu dàng, tâm niệm Phật theo tiếng chuông chùa ngân vang, thế thôi cũng đủ để người người cảm nhận được vẻ bình an, từ bi, vị tha, thánh thiện sáng trong của cuộc sống nơi đất Phật.
Không chỉ được thiên nhiên ban tặng địa thế đẹp, thiên nhiên hiền hòa, Đại đức Thích Trúc Thái Minh luôn coi trọng việc giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các Phật tử khi đến chùa. Rác thải được phân thành nhóm rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ, trong khuôn viên nhà chùa đặt các thùng rác tại những nơi có nhiều người qua lại để giữ môi trường luôn sạch. Cùng với đó, nhà chùa còn có một ban vệ sinh môi trường hàng ngày quét dọn, lau chùi, giữ gìn vệ sinh. Chính vì vậy, dù khuôn viên nhà chùa rất rộng, đông du khách nhưng luôn sạch đẹp. Cùng với đó, các Tăng ni, Phật tử khi đến chùa cũng đều có ý thức bảo vệ môi trường.
“Đức Phật dạy quét chùa được phước báo rất lớn, người nào chăm quét chùa, kiếp sau được trí tuệ thông minh”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ. Nên Phật tử cứ đến chùa Ba Vàng thấy bẩn là cầm chổi quét chùa. Đại đức Thích Trúc Thái Minh luôn muốn các Phật tử khi đến chùa Ba Vàng đều được nhận sự giáo dục về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, là những người biết trân quý lời Phật dạy và thực hành trong đời sống.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Ngay khi về chùa, thầy đã trao đổi với lãnh đão tỉnh Quảng Ninh khi đó rằng thầy sẽ giữ chùa Ba Vàng là lá phổi của TP. Uông Bí”.
Ngôi chùa nằm trong rừng thông, nhiều lần xảy ra cháy rừng nhưng từ khi Đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì chùa Ba Vàng, vấn đề cháy rừng đã giảm đi rất nhiều. Đồng thời, nhà chùa cũng cùng với Công Ty Cổ Phần Thông Quảng Ninh đã trồng hàng vạn cây thông ở nơi này để giữ cho môi trường trong lành.
Được tham quan khu bếp ăn của nhà chùa, đoàn công tác của chúng tôi luôn bị bất ngờ bởi không gian nhà ăn vô cùng khang trang, tiện nghi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong tất cả các khâu bảo quản, chế biến, nấu ăn và phân loại rác.
Để chùa Ba Vàng luôn trường tồn, Đại đức Thích Trúc Thái Minh mong muốn Công ty Môi trường TP. Uông Bí giúp nhà chùa có điểm nhận rác dưới chân chùa để tạo thuận lợi cho ban vệ sinh của nhà chùa vì hiện tại nhà chùa phải chuyển rác đến điểm tập kết rác rất xa; nhà chùa cũng phải tự mua những chiếc xe đựng rác. Điều này càng quan trọng và cần thiết với những lễ hội lớn như Hội Xuân có thể thải ra hàng tấn rác mỗi ngày.
Cũng theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Các chai nước (chai nhựa) sẽ được ban vệ sinh của chùa Ba Vàng thu lại, rửa và tái sử dụng.
Nhiều lần có cơ duyên về chùa Ba Vàng lễ Phật, Phật tử Ngọc Hằng (Hà Nội) bộc bạch: “Tôi đã may mắn một số lần được về chùa Bà Vàng những dịp lễ lớn, mỗi lần về đây tôi đều thấy có nhiều điều đổi thay và phát triển, cảnh quan sạch đẹp, khuôn viên trong chùa xanh, sạch và không hề có rác. Khu vực nhà ăn của chùa thật tuyệt vời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khu bảo quản thực phẩm như một siêu thị thu nhỏ…”
Cùng chung cảm nhận như Phật tử Ngọc Hằng, nhóm Phật tử ở Quảng Ninh chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên lên chùa một số ngày trong tháng. Đường lên chùa rất đẹp, dễ di chuyển, chùa rất sạch, chúng tôi cũng luôn ý thức được việc phải bỏ rác vào các thùng rác mỗi khi đến chùa. Và chúng tôi còn rất ấn tượng với khu vực nhà vệ sinh của nhà chùa lúc nào cũng rất sạch, ai ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng nước tiết kiệm. Phía trước mỗi bồn rửa tay, ban vệ sinh của nhà chùa đều có dòng chữ mang thông điệp sử dụng nước tiết kiệm”.
Chùa Ba Vàng không chỉ là nơi đất Phật linh thiêng mà còn có môi trường xanh, sạch và đẹp. Mỗi sáng sớm hay chiều tan ca, người dân thành phố thường đạp xe, chạy bộ lên chùa thể dục và thật vui vì có hội thể dục chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh hoan hỉ bày tỏ.