Cần Thơ: Triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:30, 23/09/2022
>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ, thời gian qua, với sự quan tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực.
Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác BVMT trong cộng đồng được nâng cao; công tác quản lý, kiểm soát các nguồn thải được tăng cường, chặt chẽ; hạ tầng kỹ thuật về xử lý chất thải được chú trọng đầu tư. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ông Huỳnh Phú Hiệp, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các loại chất thải, từng bước nâng tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị lên 98,42% (kế hoạch năm 2022 là 98,5%). Bên cạnh đó, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải y tế đều được thu gom đúng quy định. Sở hướng dẫn, đôn đốc UBND 9 quận, huyện triển khai quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố; triển khai công tác đấu thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận, huyện năm 2022 và những năm tiếp theo. Tham mưu và trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ năm 2022, dự kiến kiểm tra 40 cơ sở.
Nâng cao nhận thức cộng đồng chung tay BVMT, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”, triển khai thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn thành phố. Ðồng thời, tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ BVMT trong kinh doanh xăng dầu; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT cho nhiều đối tượng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác BVMT. Ðơn cử như mô hình phụ nữ giảm sử dụng túi ni lông BVMT; tổ dân cư tự quản môi trường; tuyến đường sáng - xanh - sạch đẹp; phường sạch rác… TP Cần Thơ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai thí điểm một số dự án trên địa bàn như dự án thu gom tự động rác nổi trên sông; mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; mô hình kinh tế tuần hoàn tại chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn…
Với những nỗ lực trong công tác quản lý BVMT đã góp phần giúp TP Cần Thơ đạt nhiều giải thưởng về môi trường trong khu vực ASEAN. Ðơn cử, năm 2017, TP Cần Thơ đạt chứng chỉ Thành phố tiềm năng bền vững môi trường ASEAN lĩnh vực không khí sạch; năm 2021, đạt giải thưởng Thành phố bền vững môi trường ASEAN. Tháng 6-2022, TP Cần Thơ lọt vào vòng chung kết chương trình Thành phố xanh quốc tế giai đoạn 2021-2022. Cần Thơ sẽ đại diện cho Việt Nam cùng với 32 quốc gia khác tiếp tục tham gia Chiến dịch Tôi yêu thành phố từ ngày 19-9 đến ngày 31-10-2022...
Theo đánh giá của Sở TN&MT thành phố, thời gian tới, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn thành phố sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường tiềm ẩn từ các hoạt động phát triển kinh tế và áp lực của biến đổi khí hậu. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố.
Ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng đang được TP Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện, đó là triển khai các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Ðây là các văn bản pháp lý rất quan trọng nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT từ hoạch định chính sách đến tổ chức giám sát thực hiện. Trong đó, doanh nghiệp, người dân đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT.
Thành phố có kế hoạch triển khai một số dự án nâng cao năng lực thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt như nâng cao công suất của Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Cần Thơ từ 30.000m3/ngày.đêm lên 60.000 m3/ngày.đêm và các dự án thu gom và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Long Tuyền, Trà Nóc, Ô Môn, Phong Ðiền, Thốt Nốt, Thới Lai, Thạnh An, Vĩnh Thạnh và Cờ Ðỏ trong giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2025.
Triển khai kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ năm 2022. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp, các sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể và UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp đối với công tác BVMT trên địa bàn thành phố…