Bắc Ninh: Đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng cho đề án phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 17:35, 23/09/2022

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030” với tổng vốn đầu tư là 4.103 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Quyết định số 406/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với tổng vốn đầu tư là 4.103 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách là 355 tỉ đồng, vốn xã hội hóa cần huy động là 3.748 tỉ đồng.

UBND tỉnh Bắc Ninh phân kỳ đầu tư các dự án ưu tiên làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2022-2025, tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.163 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách là 206 tỉ đồng. Vốn xã hội hóa cần huy động là 957 tỉ đồng. Giai đoạn thứ 2 từ 2026-2030, tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.940 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách là 148 tỉ đồng. Vốn xã hội hóa cần huy động là 2.792 tỉ đồng.

Đề án này có 4 dự án ưu tiên. Đó là, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (dự kiến 235,4 tỉ đồng).

Dự án phát triển du lịch trên sông Đuống và sông Cầu (dự kiến 3.600 tỉ đồng).

Dự án phát triển du lịch cộng đồng làng Quan Họ Viêm Xá, Khu Diềm, thành phố Bắc Ninh (dự kiến 165 tỉ đồng).

quan-ho-bac-ninh.jpg
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu đón và phục vụ trên 5 triệu lượt du khách. Ảnh minh họa

Dự án chương trình trọng điểm quảng bá văn hóa - du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025 (dự kiến 41,7 tỉ dồng).

Với đề án này, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỉnh sẽ đón và phục vụ từ 2 - 2,5 triệu lượt khách du lịch. Tổng thu du lịch đạt khoảng 2.000 tỉ đồng. Có trên 20 ngàn lao động trong ngành du lịch, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Lựa chọn ưu tiên phát triển từ 3-5 sản phẩm du lịch từ giá trị di sản văn hóa nổi trội để phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh. Phát triển cơ sở hạ tầng như nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng điểm du lịch và các tuyến giao thông kết nối các di sản văn hóa tiêu biểu. Hoàn thành số hóa các di sản văn hóa tiêu biểu.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ đón và phục vụ trên 5 triệu lượt khách du lịch. Tổng thu du lịch đạt khoảng 4.500 tỉ đồng. Có trên 25 ngàn lao động trong ngành du lịch, trong đó tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85%. Phát triển thêm từ 3-5 sản phẩm du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa. Phát triển đồng bộ các dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa, các tiện ích du lịch, ứng dụng công nghệ số, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoàn thiện hệ thống tuyến, điểm du lịch; ít nhất có 2 khu du lịch cấp tỉnh; đầu tư phát triển từ 1-2 mô hình du lịch cộng đồng từ các làng Quan họ, làng nghề truyền thống, nông nghiệp, nông thôn.

Hoàn thành cơ sở dữ liệu văn hóa của tỉnh. Phát triển được từ 1-2 sản phẩm du lịch “ảo”, du lịch “3D”...

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các Sở, ngành liên quan, các địa phương tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở đối với công tác bảo vệ, gìn giữ giá trị di sản văn hóa và nhiệm vụ phát triển du lịch. Xây dựng và triển khai một số chương trình về văn hóa - du lịch như: “Mỗi người dân là một tuyên truyền viên di sản văn hóa, hướng dẫn viên du lịch; chương trình “Ngoại khóa văn hóa - du lịch” đưa vào chương trình giáo dục các cấp; Kế hoạch tuyên truyền thực hiện các quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các trường phổ thông, các điểm di tích, điểm du lịch…

Từng bước, nâng cao nhận thức và khả năng sẵn sàng đón khách của cộng đồng dân cư, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh nhất là các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư phát triển các dự án lớn, có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ. Tăng cường công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối trung tâm, khu, điểm du lịch, điểm di sản văn hóa; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch từ giá trị di sản văn hóa tiêu biểu; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, di sản văn hóa với xúc tiến du lịch và phát triển thị trường; phát triển nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

Giao Sở VHTTDL là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc và tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và nội dung của Đề án, xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Minh Lâm