Đà Nẵng tìm kiếm đối tác xây dựng thành phố môi trường
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 15:00, 24/09/2022
Ngày 23.9, Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức hội thảo quốc tế “Địa phương hóa và hợp tác hiệu quả, vì Đà Nẵng – Thành phố môi trường”. Hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp để tối ưu hóa nguồn lực quốc tế, tăng cường địa phương hóa trong công tác bảo vệ môi trường.
Tham dự Hội thảo có Đại diện Văn phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường, các chuyên gia, cố vấn của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam; Cục Quản lý Tài nguyên Nước; đại diện các tổ chức, các đối tác (trong nước, quốc tế) lĩnh vực bảo vệ tài nguyên – môi trường; đại diện các Sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, với Đề án "Xây dựng thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030", Đà Nẵng hiện là địa phương duy nhất của Việt Nam tiên phong phát triển theo định hướng TP môi trường. Trong đó, ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái.
Địa phương đã tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm cũng như học hỏi, vận động tài trợ để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường; nhất là nội dung hợp tác quốc tế đã đi vào chiều sâu, như lồng ghép trong công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trong giai đoạn 2021- 2024, Đà Nẵng đã huy động hơn 70 tỉ đồng từ các dự án hợp tác quốc tế, qua đó cũng đã thiết lập được sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ các tổ chức đối tác trong và ngoài nước và các chuyên gia địa phương trong công tác triển khai các giải pháp, các sáng kiến về bảo vệ môi trường tại địa phương.
Tuy nhiên, để Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các văn bản quy định liên quan, đồng thời phù hợp với tính thực tiễn tại các địa phương, phát huy tối đa nguồn lực hỗ trợ, ngành Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng nhận thức rằng có rất nhiều những thách thức.
“Chúng tôi tôi hy vọng sẽ nhận được những chia sẻ, trao đổi thông tin, xác định các rào cản và đề xuất nhiều nội dung, giải pháp phù hợp để tăng cường địa phương hóa trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các đối tác, hướng tới hỗ trợ Đà Nẵng thực hiện thành công Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030” - ông Chương trao đổi.
Trong số 4 sáng kiến hành động tập thể mà USAID Việt Nam đã hỗ trợ, có 3 tổ chức phi chính phủ địa phương đang hợp tác chặt chẽ với Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng, cũng như Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ bao gồm dự án về bảo tồn nước, ô nhiễm nhựa và không khí.
“Hội thảo này đặt một dấu mốc cụ thể cho sự hợp tác tiếp tục giữa các tổ chức nhà nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác nhằm xây dựng Đà Nẵng – thành phố sinh thái trong tương lai” – bà Ann Maxine Wallace, nhìn nhận.
Thay mặt Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên và Môi trường, bà Vũ Thùy Dung khẳng định, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030, rất phù hợp với những mội dung hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với USAID.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận cách tiếp cận địa phương hoá trong công tác bảo vệ môi trường cùng các khía cạnh hợp tác quốc tế như tăng cường năng lực cho địa phương, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi cơ sở dữ liệu....
Theo Sở TN&MT Đà Nẵng giai đoạn tới, Đà Nẵng tập trung huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật để xây dựng "Đà Nẵng – Thành phố môi trường", thành phố sinh thái; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, khoáng sản; xây dựng xã hội tái chế hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.