Cách tháo gỡ cho những thí sinh lỡ thao tác sai khi đăng ký xét tuyển
Giáo dục - Ngày đăng : 12:00, 25/09/2022
Các trường chủ động giải quyết đảm bảo quyền lợi cho thí sinh
Đăng ký xét tuyển theo hình thức xét học bạ và đăng ký xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là hai hình thức mà các thí sinh dự tuyển vào các trường ĐH đăng ký để trở thành tân sinh viên năm 2022-2023. Tuy nhiên, do lần đầu thao tác bằng phương pháp đăng ký trực tuyến theo qui định của Bộ Giáo dục- Đào tạo nên nhiều thí sinh sau khi dự tuyển bằng hình thức xét học bạ, thấy mình đã đủ điều kiện nên không đăng ký lại nguyện vọng này trên cổng thông tin của Bộ, dẫn tới kết quả không thấy tên trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục - đào tạo.
Cũng có trường hợp sau khi thấy mình trúng tuyển bằng hình thức xét học bạ, khi đăng ký lại trên cổng thông tin của Bộ lại sai sót khi thực hiện quy trình trong đăng ký xét tuyển trực tuyến. Đa số là nhầm lẫn trong việc ghi sai mã ngành, mã xét tuyển, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển...thành ra đáng đỗ lại trượt.
Một số thí sinh do được thông báo trúng tuyển sớm bằng học bạ nên chỉ đăng ký lại duy nhất một nguyện vọng này trên hệ thống nhưng giờ đăng nhập hệ thống kiểm tra lại thì không thấy thông tin gì.
Điển hình như thí sinh M.H.N. (Thái Nguyên), người vừa gửi "đơn kêu cứu khẩn cấp" tới bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo vì đậu thành rớt. Tháng 7-2022, thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải theo phương thức học bạ kết hợp điểm thi THPT và đã nhận tin báo từ trường là "đủ điều kiện trúng tuyển" vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô.
Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ, thí sinh này đã đăng ký thêm ba nguyện vọng nhưng không đăng ký lại nguyện vọng đã trúng tuyển sớm vì nghĩ rằng đã đăng ký ở trường rồi thì trường sẽ gửi về Bộ nên không đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển nữa.
Thí sinh M.H.N. cho hay sau khi gửi đơn đến lãnh đạo Bộ Giáo dục - đào tạo, đại diện Vụ Giáo dục đại học đã phản hồi ngay. Theo đó, vụ cho biết quy chế đã quy định rõ thí sinh cần đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ thì nguyện vọng đó mới được coi là hợp lệ. Tuy nhiên, quy chế cũng quy định các trường cần hướng dẫn thí sinh sau khi trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký trên hệ thống của Bộ mới là hợp lệ, nếu trường chưa hướng dẫn thì trường làm chưa đủ quy trình, do đó trường cần có phương án giải quyết rủi ro xảy ra này.
Bộ Giáo dục - đào tạo đã yêu cầu khi có đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại sai sót về thông tin (khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên, điểm xét tuyển, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển...) thì các trường đại học chủ động xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các trường có liên quan để giải quyết theo quy định bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Đối với thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên hệ thống, các trường có thể xét tuyển bổ sung ngay như đối tượng đã đăng ký xét bổ sung.
Các trường phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết phản ánh, khiếu nại và bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro đã được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục - đào tạo, các trường chủ động giải quyết cho các trường hợp không nắm rõ quy định đăng ký xét tuyển này để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Bộ lưu ý nếu thí sinh đã đăng ký nguyện vọng vào ngành đã trúng tuyển sớm trên hệ thống mà có nhầm về phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển thì mới xem xét đưa vào lọc ảo xét tuyển.
Thí sinh cần chủ động
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, một số trường đã chủ động lọc danh sách thí sinh bị sai thông tin để linh hoạt giải quyết. Như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có gần 300 trường hợp bị lệch thông tin mã ngành đăng ký trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục - đào tạo và của trường, đang được nhà trường xem xét.
"Vừa qua, chúng tôi đã chủ động liên lạc từng thí sinh để xác nhận chính xác nguyện vọng và gửi danh sách chính xác lên cổng thông tin của Bộ Giáo dục - đào tạo. Nhà trường đang tiếp tục tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của thí sinh liên quan đến sai sót trong đăng ký xét tuyển để xem xét xử lý" - ông Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho hay.
Cũng nhằm đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã tiến hành ghi nhận phản ánh của một số thí sinh đủ tiêu chuẩn đỗ nhưng không thấy có tên, cho kiểm tra lại. Qua đó phát hiện các thí sinh này thao tác sai về mặt kỹ thuật.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết: “Những trường hợp này cần gửi lại thông tin rõ ràng tới nhà trường để chúng tôi kiểm tra, rà soát lại và xem xét giải quyết đảm bảo quyền lợi thí sinh".
Tương tự, sau khi phát hiện có sự “không bình thường” trong việc nhiều thí sinh đỗ vào các nguyện vọng có thứ tự ưu tiên thấp hơn nguyện vọng đăng ký ở phương thức xét tuyển sớm, Học viện ngân hàng đã thông báo tiếp nhận đơn kiến nghị điều chỉnh nguyện vọng và xem xét công nhận trúng tuyển của thí sinh đến 17h ngày 30-9.
Theo các chuyên gia, những thí sinh có sai sót trong quá trình đăng ký xét tuyển cần sớm chủ động liên hệ với các trường đại học bằng cách gửi email đến bộ phận tuyển sinh, đồng thời gọi đường dây nóng hoặc gửi đơn trực tiếp tại trường để được xem xét.