Thái Nguyên nhân rộng những cánh rừng FSC

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 18:04, 27/09/2022

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng cho người dân, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền, vận động người dân xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thực hiện các nội dung để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC.

Với diện tích rừng lớn, tập trung, xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ) là địa phương đầu tiên trong tỉnh Thái Nguyên được Chi cục Kiểm lâm lựa chọn xây dựng cánh rừng theo tiêu chuẩn FSC.

Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán, cho biết: Khi mới triển khai, nhiều hộ trồng rừng cũng còn băn khoăn vì sợ đến lúc thu hoạch lại vướng về thủ tục. Do vậy, tại các cuộc họp xã, xóm, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền nguyên tắc sản xuất rừng theo tiêu chuẩn FSC. Đồng thời nêu rõ những lợi ích của bà con khi có rừng đạt chứng chỉ FSC. Từ đó, các hộ dân hăng hái đăng ký tham gia. Đến nay, xã đã có hơn 500 hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích đăng ký hơn 1.360ha.

canh-rung-fsc.jpg
Nhân viên Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên phát dọn thực bì tại cánh rừng gỗ lớn mới trồng được 2 năm tại xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ. Ảnh:ntm.thainguyen.gov.vn

Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn giúp họ thay đổi nhận thức để phát triển rừng theo hướng bền vững. Anh Nguyễn Thế Vy, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Khe Mo - Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, cho biết: Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch, bà con thường xử lý thực bì bằng phương pháp đốt. Việc làm này gây nguy cơ cháy rừng, phá vỡ cấu trúc đất, ảnh hưởng hệ sinh thái động, thực vật trong đất và gây ô nhiễm không khí. Sau khi được tập huấn về tiêu chuẩn rừng FSC, bà con làm cỏ, phát dọn thực bì để hoai mục, tạo độ tơi, xốp cho đất, giúp cây sinh trưởng phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, trên những cánh rừng cũng không có tình trạng người dân phun thuốc trừ cỏ hay vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như trước đây.

Thái Nguyên hiện có trên 178.800ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó, rừng đặc dụng 36.000ha, rừng phòng hộ 43.000ha và rừng sản xuất hơn 99.000ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,6%, cao hơn 5,5% so với mức bình quân chung của cả nước.

Để kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, thời gian qua, tỉnh đã triển khai các dự án, chương trình như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rừng và cắm mốc rừng tỉnh Thái Nguyên; dự án Bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2025… Và nhiều cơ chế, chính sách, như: Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng rừng; khuyến khích người dân chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn bền vững FSC...

Theo ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên: Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng những cánh rừng theo tiêu chuẩn FSC, Chi cục sẽ tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp tham gia thu mua gỗ của người dân để chế biến sâu sản phẩm.

Chứng chỉ rừng FSC là chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm được xây dựng với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Chứng chỉ này do Hội đồng Quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council) - tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993, với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới, cấp.

Minh Trang