Hà Tĩnh: Sẵn sàng công tác ứng phó với siêu bão Noru

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:27, 27/09/2022

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 4 có tên gọi là Noru là cơn bão rất mạnh ảnh hưởng đến vùng rộng lớn thuộc Trung Trung bộ. Hà Tĩnh mặc dù không nằm trong khu vực trực tiếp bão đổ bộ, tuy nhiên theo dự báo khu vực này có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ ống, lũ quét, ngập lụt.

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, các cấp chính quyền và bà con nhân dân đã sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai.

W_ha-tinh-1.jpg
Ông Võ Trọng Hải CT UBND tỉnh cùng các sở ban ngành tổ chức kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó tại các địa phương.

Thực hiện Công điện của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 24/9/2022 về việc tập trung ứng phó với bão; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức trực ban 24/24 để tham mưu ứng phó với tình hình thiên tai.

W_ha-tinh-2.jpg
Tàu thuyền của người dân đã được neo đậu cẩn thận trước khi bão vào.

Sáng nay, ngày 27/9 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra do đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn tổ chức kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó tại các địa phương.

Kiểm tra các công trình tuyến kênh sau tràn xả lũ, hồ đập thủy lợi, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão và các điểm xung yếu… của các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân.

W_ha-tinh-3.jpg
Khu vực neo đậu của tàu ngoại tỉnh cũng đã được bố trí an toàn để các tàu về trú ẩn.

Ông Võ Trọng Hải– Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương không được chủ quan, lơ là, triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, đồng thời nhấn mạnh “Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu…”.

W_ha-tinh-4.jpg
Người dân tổ chức gia cố các công trình trước khi bão vào.

Theo cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, từ đêm 27 đến ngày 30/9, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, kết hợp với không khí lạnh và nhiễu động gió Đông trên cao nên khu vực Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 150 - 250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

W_ha-tinh-5.jpg
W_ha-tinh-6.jpg
Cắt tỉa cành cây ở sân trường bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ.

Hiện tại để phòng tránh giảm nhẹ thiên tai một số hồ chứa nhỏ trong tỉnh cơ bản đã tích gần đầy nước, một số hồ chứa loại vừa có cửa van điều tiết đang chủ động xả tràn: Sông Rác xã 30 m3/s; Bộc Nguyên xả 10 m3/s; Thượng Sông Trí xả 02m3 /s; Tàu Voi xả 03m3/s.

Hà Tĩnh hiện nay diện tích đang nuôi Thủy sản 6.579 ha, sản lượng chưa thu hoạch: 2.395 tấn. Nuôi lồng 171 lồng (853 lồng, 28.119 m3) trong đó: Lồng mặn lợ 145 cái; Lồng nuôi ngọt 26 cái; sản lượng chưa thu: 162 tấn. Lúa hè thu đã thu hoạch xong 100% diện tích gieo cấy. Lúa mùa có 426 ha diện tích lúa mùa đang trong thời điểm phát triển làm đòng. (chủ yếu Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Khê). Hoa màu chưa thu hoạch 1.425 ha các loại đậu, lạc, ngô, khoai. Cây ăn quả: Bưởi, tổng sản lượng bưởi dự ước 23.600 tấn/2.300 ha, đến nay đã thu hoạch được khoảng 70%: 16.000 tấn/1.600 ha; Cam, tổng diện tích đang ra quả 65.000 tấn/ 6.000 ha (chưa đến thời kỳ thu hoạch).

W_ha-tinh-8.jpg
Ở những vùng thấp trũng, giáo viên kê sách vở của học sinh lên cao đề phòng ngập úng.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, đến 17h ngày 26/9 toàn tỉnh có 3.675 tàu thuyền/ 14.393 lao động. Hiện nay đã có 3.675 tàu thuyền đã vào bờ trú ẩn tại các khu neo đậu trong và ngoài tỉnh.

Ngọc Trâm