Bão số 4 giật cấp 16 đang đi nhanh vào khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 22:22, 27/09/2022

19h ngày 27/9, tâm bão Noru cách Đà Nẵng hơn 180 km, cách Quảng Nam 170 km, cách Quảng Ngãi hơn 140 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 13-14 (134-166 km/h), giật cấp 16 (trên 180 km/h). Miền Trung tối 27/9 ghi nhận mưa lớn, gió giật đi kèm nhiều thiệt hại. Hơn 81.000 hộ dân tương ứng trên 253.000 người đến nơi an toàn.
bnr.jpg
Lốc xoáy ập đến làm tan hoang khu vực chợ Cửa Việt huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị

19-22h ngày 27/9, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, vận tốc 20 km/h. Noru được nhận định là cơn bão lớn nhất trong vòng 20 năm qua.

20h35, TP Huế có mưa nặng hạt kèm theo gió cấp 5-6. Các tuyến đường ở trung tâm thành phố thưa thớt người qua lại. Nhiều ngân hàng đã khóa quầy ATM nhằm bảo đảm an toàn trong lúc bão đổ bộ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến tối 27/9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định đã sơ tán hơn 81.000 hộ dân tương ứng trên 253.000 người đến nơi an toàn.

8 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Một số địa phương cũng cho cán bộ, công nhân viên nghỉ làm ngày 27-28/9.

Hiện, gần 4.800 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm đã di chuyển vào đất liền tránh trú.

Theo cập nhật lúc 19h tối 27/9, tâm bão Noru cách Đà Nẵng khoảng 186 km, Quảng Nam khoảng 170 km, Quảng Ngãi khoảng 147 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 13-14 (134-166 km/h), giật cấp 16. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với vận tốc 20 km/h.

Với bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão và bán kính gió mạnh từ cấp 10 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão, hiện, Đà Nẵng và Quảng Nam có thể ghi nhận gió mạnh cấp 6, giật từ cấp 8; trong khi Quảng Ngãi có thể bắt đầu có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 trở lên.

Hiện, đảo Lý Sơn quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió cấp 6, giật cấp 8. Từ 7h đến 18h ngày 27/9, một số nơi có mưa rất to trên 130 mm như: Vĩnh Kim (Quảng Trị) 215 mm, Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 152 mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 115 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 141 mm.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu người dân nếu không có việc cấp thiết thì tuyệt đối không ra khỏi nhà, cũng như không được rời khỏi nơi trú tránh bão để quay về nhà kể từ 20h tối nay đến khi có thông báo mới.

Cơ quan chức năng khẩn trương sơ tán, di dời dân những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, trũng thấp, đặc biệt là ở các khu vực sát bờ biển, trên các lồng bè thủy sản, tàu thuyền đến nơi tránh trú bão an toàn (dự báo sóng biển có thể cao 6-8 m); sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không đảm bảo an toàn, đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết.

Ông Võ Viết Cường, Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị cho biết tại đảo có mưa to, gió mạnh cấp 6-7. Từ 17h chiều nay, lực lượng chức năng đã đưa khoảng 300 người dân, công nhân lao động vào trú ở hầm trú ẩn. Địa phương đã chủ động chằng chống nhà cửa nên chưa có thiệt hại.

Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tàu thuyền ngư dân đã được hướng dẫn vào âu tàu trên các đào neo đậu an toàn.

Theo Hải đoàn 129, đến sáng 27/9, tình hình thời tiết tại quần đảo Trường Sa tiếp tục diễn biến phức tạp, độ cao sóng 3,5-5 m, gió giật cấp 8, cấp 9. Các âu tàu, làng chài tiếp tục đón các tàu cá ngư dân vào tránh trú bão.

2 âu tàu (đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn) và 2 làng chài (đảo Núi Le, đảo Tốc Tan) đã sắp xếp cho 55 lượt tàu cá ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Chủ trì họp rà soát công tác ứng phó bão số 4 tại đầu cầu UBND tỉnh, Phó thủ tướng Lê Văn Thành biết lốc xoáy ở Quảng Trị đã làm 100 ngôi nhà tốc mái, 3 người bị thương.

Nhiệm vụ đầu tiên được Phó thủ tướng quán triệt là lo sơ tán và bố trí chỗ ăn ở cho người dân. Tiếp đó, cần bảo vệ các công trình trọng điểm, quan trọng như hồ đập, đê điều, đường sá, bệnh viện, hệ thống điện…

Phó thủ tướng cũng đồng thời đề nghị các địa phương báo cáo về việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ứng cứu trường hợp bị chia cắt. “Có thể xảy ra tình huống chưa lường hết như đê biển bị sóng đánh thì ứng cứu như thế nào”, Phó thủ tướng nêu vấn đề.

Tại Bình Định, ngay từ chiều, lãnh đạo tỉnh đã ra quyết định cho cán bộ công chức nghỉ làm việc ngày 28/9 (trừ các bộ phận được phân công phòng, chống bão số 4 và lực lượng khác do thủ trưởng cơ quan quyết định) và yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà kể từ 21h ngày 27/9 cho đến khi hết bão.

Dự báo bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây Nguyên, với lượng mưa dự báo đến 300-400mm gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định.

Đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế (có 4/8 huyện với 58 xã), Quảng Nam (có 6/18 huyện với 75 xã), Quảng Ngãi (có 6/11 huyện với 74 xã) có nguy cơ ngập lụt với độ sâu trung bình 0,3-0,6m.

Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao tại huyện Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế), Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi), Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Tại Quảng Ngãi, từ lúc 18h ngày 27/9, mưa tuôn xối xả, gió rít liên hồi, đường phố Quảng Ngãi vắng tanh không bóng người.

Địa phương này đã sơ tán gần 95.000 dân đến các điểm trường học, trụ sở cơ quan, khu ký túc xá... để tránh bão Noru. Tỉnh cũng ban hành lệnh cấm người dân huyện đảo Lý Sơn ra đường từ trưa nay. Trên địa bàn toàn tỉnh, mọi người được khuyến cáo hạn chế ra đường.

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho biết đã huy động 53.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 108 xe đặc chủng, xe lội nước tham gia chống bão. Ngoài ra, gần 1.400 ôtô, 715 xuồng máy và một trực thăng cùng 5 xe thiết giáp của Lữ đoàn T-TG 574 sẵn sàng đợi lệnh chỉ huy để cơ động ứng phó bão số 4.

Để hướng dẫn các lái xe đường dài tìm nơi dừng nghỉ, lực lượng CSGT Công an các tỉnh Quảng Bình, Đắk Lắk, Khánh Hòa đã sẵn sàng bố trí lực lượng túc trực trên trục quốc lộ, không cho các lái xe đường dài đi vào khu vực tâm bão, chờ bão qua mới tiếp tục di chuyển. Nhận định tuyến cao tốc trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không có khu vực đảm bảo an toàn để dừng, đỗ tránh trú, lực lượng CSGT đã có mặt ở đây chốt chặn cấm xe lưu thông trên cao tốc này.

Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động gồm Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ, tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 đóng quân trên các tỉnh miền Trung gồm Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, ra quân giúp người dân chằng chống nhà cửa di dời tài sản đến nơi tránh trú an toàn đồng thời ứng trực sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ, vừa hỗ trợ khắc phục hậu quả trong và sau khi bão đổ bộ.

Nhật Hằng