Đà Nẵng khắc phục thiệt hại sau bão số 4

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:43, 28/09/2022

Thống kê sơ bộ, đến sáng 28/9, toàn thành phố Đà Nẵng có 2 căn nhà bị tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89), 75 cây xanh và một số biển hiệu bị đổ, chưa xảy ra thiệt hại về người.
bao-t12.jpg
Cây bị gió quật đổ trên đường Như Nguyệt.

Để khắc phục thiệt hại sau bão, lực lượng công an, bộ đội, các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp, tích cực hỗ trợ người dân dọn vệ sinh đường phố, sửa chữa nhà cửa.

Sáng 28/9, trên địa bàn Đà Nẵng gió vẫn giật mạnh, có mưa theo từng đợt. Trên các tuyến đường chính, nhiều cây xanh bị đổ ngã, bật gốc.

Có 1 trường hợp chuyển dạ trong bão, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hỗ trợ phương tiện để đưa đi bệnh viện.

Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, trong sáng 28/9, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đã cắt cử hàng chục cán bộ, chiến sỹ kịp thời hỗ trợ người dân dọn vệ sinh đường phố.

Các lực lượng tập trung di chuyển các cây xanh bị đổ giữa đường, dọn sạch các vật liệu xây dựng, bảng biển quảng cáo gây cản trở giao thông; đồng thời hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa…

bao-t2.jpg
Lực lượng bộ đội dọn dẹp vệ sinh đường phố.

Tại cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai, sáng 28/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại, sớm ổn định sinh hoạt của người dân; san gạt, sửa chữa đảm bảo giao thông và khắc phục kịp thời hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.

Ngoài ra, các địa phương phải sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn thành phố đã có mưa rất to, gió lớn, giật mạnh; cường độ gió đo được cao nhất từ cấp 9 đến 11.

Lượng mưa đo được lớn nhất tại lưu vực sông Cu Đê là 220mm (xã Hòa Bắc), Liên Chiểu 161mm, Ngũ Hành Sơn 146 mm, Sơn Trà 121mm, Cẩm Lệ 117 mm, Hòa Cường Nam 94,8mm..., gây ngập cục bộ một số tuyến đường.

Hiện mực nước các hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn còn ở mức thấp. Mực nước sông Vu Gia lúc 5 giờ ngày 28-9 tại Ái Nghĩa là 6,8m trên mức báo động 1 là 0,8m; mực nước sông Cẩm Lệ tại cầu Cẩm Lệ là 1,17m, trên báo động 1 là 0,17m.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng nhận định, sau mưa bão, tình hình thời tiết vẫn nguy hiểm (gió mạnh, sóng lớn, ngập lụt, sạt lở đất, đá...). Vì vậy, người dân không được chủ quan, không sửa chữa nhà cửa khi chưa thực sự cần thiết; không được đi lại hoặc đánh bắt trên biển, sông, suối, hồ, đập, vùng trũng thấp, ngập lụt, sạt lở… và không thực hiện các hoạt động chưa cần thiết khác để tránh các tai nạn, sự cố đáng tiếc xảy ra.

Ngọc Minh