Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi: Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 11:00, 29/09/2022

Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là hai nội dung trọng tâm trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc, nhóm dân cư.
dong-bao-dan-toc-thieu-so.jpg
Ảnh minh họa.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới

Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”. Cụ thể, thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60% tổng số hộ nghèo của cả nước. Một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông và Xơ Đăng...

Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, giai đoạn I được triển khai từ năm 2021 - 2025 (Chương trình).

Với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung và 158 hoạt động, Chương trình bao quát hầu hết các ngành, lĩnh vực trong đó mỗi dự án, tiểu dự án, nội dung, hoạt động đều gắn liền với mục tiêu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cụ thể, về vấn đề Quy hoạch (Tiêu chí số 1), nhiệm vụ quy hoạch trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được đưa vào nội dung của Chương trình, trong đó tập trung vào 02 nội dung có liên quan trực tiếp đến công tác quy hoạch trên địa bàn: Sắp xếp, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thuộc Dự án 2; Quy hoạch phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và vùng dược liệu thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3.

Về hạ tầng kinh tế - xã hội (Tiêu chí số 2 - 9), nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội là một nhiệm vụ cơ bản và trọng tâm của Chương trình nhằm cải thiện rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua đầu tư xây dựng các công trình phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân như: Hỗ trợ đất ở và nhà ở thuộc Dự án 1; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh thuộc Tiểu dự án 1 Dự án 4 và Tiểu dự án 1 Dự án 9; hỗ trợ xây dựng, duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 10…

Về kinh tế và tổ chức sản xuất (Tiêu chí 10 - 13), đi đôi với nhiệm vụ nâng cấp, cải thiện và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, nhiệm vụ ổn định tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào cũng được chú trọng và đưa vào nội dung của Chương trình.

Điểm mới trong hoạt động tổ chức sản xuất của Chương trình chính là thay vì hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ có điều kiện cho đồng bào, Chương trình tập trung chủ yếu đến việc nghiên cứu và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thành lập vùng nguyên liệu nhằm khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững; đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số (Tiểu dự án 2 Dự án 3).

Đồng thời, với mục tiêu nâng cao chất lượng và chuyển dịch cơ cấu lao động, Chương trình cũng đưa nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Tiểu dự án 3, Dự án 5) để đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế phi nông nghiệp,

Về văn hóa - xã hội - môi trường (Tiêu chí 14 -17), Chương trình cũng đã có thiết kế riêng dự án đối với phát triển giáo dục (Dự án 5), phát triển văn hoá (Dự án 6) và phát triển hệ thống y tế cơ sở (Tiểu dự án 1 Dự án 4 và Dự án 7) vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó tập trung vào các nội dung như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ; Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng;…

Để đảm bảo các vấn đề về môi trường, các hoạt động của Chương trình cũng tập trung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 236.700 hộ; hỗ trợ xây dựng hơn 800 công trình nước sinh hoạt tập trung với hơn 32.200 hộ thụ hưởng (Dự án 1); hỗ trợ kinh phí cải tạo cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải (Nội dung số 2, Tiểu dự án 2, Dự án 3); Đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm 04 nhà hỏa táng điện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (Tiểu dự án 1 Dự án 4).

Với thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ cũng như đặc thù về địa bàn, nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng và an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng được xác định thông qua các nội dung, hoạt động cụ thể của Chương trình.

Có thể nhận thấy các nội dung, hoạt động của Chương trình luôn bám sát và nhằm nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc triển khai hiệu quả Chương trình chính là thiết lập nền tảng cơ bản, đồng bộ, từng bước tạo điều kiện giúp các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoàn thiện các tiêu chí để ổn định, phát triển và xây dựng các xã, thôn nông thôn mới một cách bền vững.

Bảo đảm chính sách về hỗ trợ đất sản xuất giúp giảm nghèo bền vững

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Quyết định số 2356/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất, đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số”.

Trên cơ sở kết quả điều tra trực tiếp thực trạng thiếu đất sản xuất, nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả điều tra, khảo sát, khoanh vẽ các khu vực đất để bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất của 19 tỉnh thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, cùng với số liệu báo cáo của 38/44 tỉnh và các thông tin, tài liệu, số liệu của các Bộ, ngành; báo cáo “Tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất, đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất của cả nước”.

Bên cạnh dó, căn cứ quỹ đất hiện có của các địa phương cũng như nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số, các quy định về mức sử dụng đất hiện hành của các tỉnh để cân đối, tính toán đưa ra phương án quy hoạch quỹ đất để giao cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất trên địa bàn từng tỉnh; đồng thời đề ra các chính sách, giải pháp để thực hiện phương án quy hoạch bố trí đất cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất; góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Kết quả của Dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất, đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số” đã xác định thực trạng thiếu đất, quy hoạch quỹ đất và đề xuất chính sách để góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các hộ đồng bào tiếp cận với đất đai, tạo nguồn tư liệu sản xuất để ổn định cuộc sống, an sinh xã hội; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng và phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước; đáp ứng mục tiêu của chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Theo đó, Kết quả của Dự án đã có 4 nội dung chính. Một là, Dự án đã cung cấp những thông tin, tài liệu, số liệu về nhu cầu đất sản xuất chi tiết tới từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số và quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của từng địa phương làm cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc quản lý, hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch và thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng như các công trình thủy điện, thủy lợi, khai thác khoáng sản,… có liên quan tới đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, quy hoạch quỹ đất sản xuất và đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần tạo điều kiện để đồng bào có tư liệu để sản xuất, yên tâm lao động, đảm bảo cuộc sống ổn định, không du canh, du cư và cùng nhau nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đó là tiền đề quan trọng để ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước.

Ba là, việc điều tra, đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất, đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần hạn chế và xóa bỏ tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy, từ đó cũng góp phần ngăn chặn xói mòn, hạn hán, lũ lụt...

Bốn là, dự án được xây dựng và thực hiện nghiêm túc trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, việc có nhiều chính sách với những nội dung trùng nhau nhưng các mức hỗ trợ khác nhau áp dụng cho một đối tượng là hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn, khu vực hoặc cả nước; chính sách được thực hiện trong thời gian ngắn; thiếu tập trung đầu mối trong công tác quản lý nhà nước, thiếu nguồn lực…Những vấn đề đó đã tạo ra sự chồng chéo, khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng tới kết quả và hiệu quả của các chính sách nói chung và chính sách về sử dụng đất nói riêng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Về các đề xuất kiến nghị, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao sớm thể chế hóa các quy định về chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Theo đó, Bộ TN&MT nghiên cứu xem xét, kiến nghị phần sửa đổi, bổ sung về chính sách liên quan đến hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai trong thời gian tới. Nghiên cứu đề xuất một số chính sách cụ thể, thích hợp, thay thế nội dung chính sách hiện hành liên quan đển giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS sau khi Luật Đất đai năm 2013 được sửa đổi.

Đối với các địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách có liên quan đến hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành của địa phương; đặc biệt phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân tộc, Sở TN&MT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong việc rà soát đối tượng thụ hưởng, xác định thực tế tại địa phương để giao cho đồng bào DTTS từ đó cân đối, tính toán phương án hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Trên cơ sở phương án quy hoạch quỹ đất sản xuất để giao cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất của tỉnh được bàn giao, UBND các tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý sử dụng đất và đảm bảo tính khả thi của phương án quy hoạch bố trí đất sản xuất cho đồng bào DTTS thiếu đất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh.

Ngọc Hiển