Ngành xuất bản, in và phát hành đang có bước chuyển mình mạnh mẽ

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 10:30, 29/09/2022

Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản gồm cả ba khâu: Nhà xuất bản, nhà in và đơn vị phát hành. Sự kiện này mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động xuất bản nước ta. Sau này, ngành xuất bản lấy ngày 10/10/1952 là ngày truyền thống toàn ngành.

Vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén

Trong dòng chảy lịch sử, nghề làm sách mà sau này phát triển thành Ngành xuất bản đã xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, từ triều Lý, cùng sự ra đời của làm giấy và khắc ván in gỗ. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bước vào thời kỳ hiện đại, song hành cùng bước phát triển của cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đến nay, sau 70 năm kể từ dấu mốc quan trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia ngày 10/10/1952, ngành Xuất bản, In và Phát hành đang có bước chuyển mình mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Ngược lại dòng thời gian, hoạt động xuất bản ra đời gắn với việc chế tạo ra giấy và khắc ván in, từ thời triều Lý với việc in các bộ kinh Phật; triều Lê Hy Tông với bộ quốc sử “Đại Việt sử ký toàn thư”; triều Nguyễn với nhiều bộ sách lớn về lịch sử, tiêu biểu như Đại Nam thực lục, Hải Thượng y tông tâm linh… Trải qua nhiều thăng trầm, ngành Xuất bản, In và Phát hành bắt đầu hình thành và phát triển, được đánh dấu bởi những bước ngoặt, dấu ấn, giai đoạn quan trọng có ý nghĩa quyết định.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do và thống nhất đối với dân tộc ta. Từ dấu mốc lịch sử này, một số nhà xuất bản đầu tiên được thành lập như: Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Sự thật, Nhà xuất bản Văn hóa Cứu quốc, Quân du kích, Vệ quốc quân… Sách xuất bản trong những năm đầu kháng chiến phần lớn là sách phục vụ kháng chiến, phổ cập trong quân và dân, dễ đọc, dễ hiểu và thiết thực.

xban.jpg
Xuất bản trở thành một vũ khí, một sức mạnh sắc bén trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, bảo vệ và thống nhất Tổ quốc (1952 - 1975), xuất bản đã trở thành một sức mạnh, một vũ khí tinh thần sắc bén góp phần trực tiếp cho thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước thể hiện qua các văn bản: Sắc lệnh 282 (ngày 11/12/1956) do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về quyền tự do ngôn luận, xuất bản sách báo; Chỉ thị 172-CT/TW ngày 23/11/1959 của Ban Bí thư xác định vị trí, tính chất, nhiệm vụ của ba ngành xuất bản, in và phát hành.

Mặc dù trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, song xuất bản tiếp tục phát triển cả về số lượng (các nhà xuất bản, tổng số xuất bản phẩm…) và về chất lượng, giá trị sách. Năm 1959, số lượng sách xuất bản gần gấp đôi số sách xuất bản trong 9 năm kháng chiến cộng lại với nội dung “chiếm lĩnh” nhiều lĩnh vực quan trọng, nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng. Thời kỳ 1965 – 1975, cả nước tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, 20 nhà xuất bản ở miền Bắc đã xuất bản hàng nghìn đầu sách với hàng triệu bản phục vụ cuộc sống, chiến đấu và sản xuất của quân, dân ở cả hai miền. Chỉ tính riêng năm 1975, miền Bắc đã cho “ra lò” trên 2.900 đầu sách gồm 40 triệu bản. Nhiều tác phẩm sách văn hóa, văn học, nghệ thuật nổi tiếng với những tên tuổi tác giả có giá trị, tác dụng tích cực, rộng lớn, được quần chúng yêu mến, trân trọng. Sách có mặt ở mọi nơi từ các thư viện tỉnh, huyện, các ki ốt, bưu điện, nhà văn hóa, hợp tác xã và trong ba lô ra chiến trường của bộ đội, thanh niên xung phong và xuất hiện trên mọi mặt trận chiến đấu, sản xuất, xây dựng... Phong trào “đọc và làm theo sách”, “đọc sách có hướng dẫn”, đọc “sách người tốt, việc tốt”... đã lan tỏa rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành nên những giá trị tri thức, văn hóa mới của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Sau ngày giải phóng (tháng 4/1975), ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới. Hàng trăm triệu bản sách Miền Bắc đã chuyển vào miền Nam phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tư tưởng, tình cảm mới - xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là vũ khí tư tưởng - văn hóa sắc bén, xuất bản đã nỗ lực vượt khó khăn, giữ vai trò tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, ổn định chính trị - tư tưởng. Từ 21 nhà xuất bản trước 1975, đến 1985 đã lên đến 40 nhà xuất bản; xuất bản được nhiều cuốn sách có giá trị, phục vụ kịp thời công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đánh dấu một bước ngoặt lớn lao trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đưa đất nước tiến lên sự nghiệp đổi mới ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của tất cả các lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trong đó có hoạt động xuất bản. Song hành cùng sự phát triển của đất nước, ngành xuất bản cũng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có bước phát triển nhanh về quy mô và số lượng, thích ứng với cơ chế thị trường, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ ngày càng có hiệu quả công tác tư tưởng - văn hóa, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân, đáp ứng và định hướng cho các nhu cầu ngày càng đa dạng về văn hóa đọc khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành


Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2021, doanh thu xuất bản ước đạt 2.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 2.665 tỷ đồng của năm 2020, giảm mạnh so với doanh thu 4.326 tỷ đồng của năm 2019. Cục đã cấp 4.515 giấy xác nhận đăng ký xuất bản (giảm 11%), cấp 5 đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho các nhà xuất bản...

Biến khó khăn do đại dịch COVID-19 thành cơ hội, nhiều nhà xuất bản đã sớm triển khai việc xuất bản sách điện tử và bán hành trực tuyến. Bên cạnh phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị quan trọng, các đơn vị xuất bản đã đầu tư làm nhiều đầu sách chất lượng phục vụ bạn đọc; trong đó các thể loại sách khoa học công nghệ, về chuyển đổi số, kỹ năng sống, hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm… được quan tâm xuất bản với số lượng lớn.

so-3.jpg
Ngành xuất bản, in, phát hành sẽ chú trọng phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung.

Tuy có một số kết quả đáng ghi nhận nhưng trong năm 2021, lĩnh vực xuất bản, in và phát hành chưa có bước phát triển mang tính đột phá. Quy mô, năng lực hoạt động của nhà xuất bản còn hạn chế. Chất lượng một số mảng sách chưa cao. Xuất bản điện tử phát triển còn chậm. Hoạt động phát hành xuất bản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cơ sở phát hành bị gián đoạn kinh doanh trong thời gian dài, doanh thu không có, khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh còn thấp. Chưa có nhiều đơn vị tham gia hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Ứng dụng công nghệ, phát triển xuất bản điện tử chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Năm 2022, ngành xuất bản, in, phát hành sẽ chú trọng phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung; xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể “Quảng bá sách giai đoạn 2021 - 2025”, Đề án “Phát triển sách nói trên các phương tiện giao thông công cộng” theo hình thức xã hội hóa”; phát triển mạng lưới xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng của hệ thống điểm bưu điện thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam...

Định hướng đến năm 2025, ngành chú trọng triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo các nhiệm vụ được phê duyệt. Xuất bản đáp ứng nhu cầu đọc sách, tinh thần truyền thống hiếu học của người Việt Nam phải ở mức cao của thế giới, mỗi năm xuất bản một số đầu sách có giá trị cao, tạo sức lan tỏa ra toàn quốc.

Bên cạnh đó, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản; xây dựng Đề án “Chương trình sách Quốc gia”; phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm, đủ năng lực dẫn dắt thị trường, tập trung chuyển đổi số các nhà xuất bản tiến tới hình thành một thị trường xuất bản năng động, lành mạnh, chất lượng; chuyển từ xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử. Phấn đấu đến năm 2025, đạt 5,5 bản sách/người/năm, trong đó sách xuất bản điện tử trên số đầu sách đạt tối thiểu 15%; sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo giáo dục chiếm dưới 60%. Bảo đảm 90% địa phương có ít nhất 1 trung tâm phát hành sách

Chia sẻ về sự phát triển trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử nhân loại có lẽ là sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Mọi thứ thực rồi sẽ có một phiên bản số. Sẽ có cả những thứ có trên môi trường số mà không có trong thế giới thực. Trong môi trường số ấy, mọi thứ sẽ có một đời sống mới, một cách thức quan hệ mới và có những giá trị mới được tạo ra theo một cách mới. Chúng ta gọi sự di chuyển này là chuyển đổi số. Vậy chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản là thế nào? Những vấn đề, những câu hỏi được nêu ở trên đều liên quan đến chuyển đổi số... Chúng ta nghĩ khác đi về sách chính là tương lai của sách. Tương lai ấy do chúng ta sáng tạo ra. Tương lai ấy có sáng lạn không? Mọi tương lai sẽ đều sáng lạn nếu chúng ta thay đổi... Trong tay chúng ta có rất nhiều công cụ mới để tạo ra tương lai cho sách. Đó là công nghệ số, là các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và chúng ta còn có một công cụ nữa, còn được coi như một nguồn lực, đó là thể chế và chính sách. Sự sáng tạo thể chế và chính sách cho sách cũng là vô hạn".

Sáng tạo tương lai thì không chỉ nhìn về tương lai mà còn là nhìn vào quá khứ. Ngành xuất bản nếu nhìn vào kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại sẽ tìm thấy không ít cách tiếp cận, lời giải cho những vấn đề mới. Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phải là người định hướng, dẫn dắt, tạo ra thể chế, chính sách, tạo ra những nền tảng ban đầu cho sự chuyển đổi này. Các nhà xuất bản, nhà in, các công ty phát hành sách chính là những người tạo ra tương lai cho sách. Một cái có thể làm ngay và dễ làm là hãy mang những xu thế của thời đại số, mà nhiều lĩnh vực khác đã áp dụng thành công cả chục năm nay vào ngành xuất bản. Nếu không làm nhanh, các công ty công nghệ hoặc các công ty sử dụng công nghệ sẽ thay chỗ. "Còn sách thì còn tri thức. Còn sách thì còn loài người" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Đặc biệt, hòa cùng làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, nhiều nhà xuất bản đã và đang có những bước đi thích hợp, tạo sự đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong ba năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử tiếp tục gia tăng về số lượng với sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số

Bảo An