Quảng Ninh: Khởi động dự án xử lý rác thải y tế thành năng lượng đầu tiên tại Việt Nam
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 13:30, 30/09/2022
Dự án xử lý chất thải hỗn hợp bao gồm: Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế… Quảng Ninh được xác định là địa phương đầu tiên đốt chất thải y tế phát điện ở Việt Nam.
Đây là 1 trong số 14 dự án mà Nhà nước Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài theo Quỹ triển khai kinh doanh để mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng chất lượng cao ra nước ngoài của Chính phủ, trong năm tài khóa 2022. Bộ Kinh tế, Thương mại Công nghiệp Nhật Bản đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Chodai CoLtd và Tập đoàn Maeda Corporation được hỗ trợ nguồn tài chính ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản để liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long (Công ty Việt Long), theo thư quan tâm Dự án của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi các Bộ, ngành của Nhật Bản về việc “xử lý chất thải y tế - xử lý chất thải thành năng lượng tại khu xử lý rác Khe Giang, Uông Bí (Quảng Ninh).
Theo ý kiến của các Sở, ngành, Tập đoàn Chodai CoLtd và Tập đoàn Maeda Corporation liên doanh với Công ty Việt Long để xử lý chất thải thành năng lượng là rất thuận lợi. Bởi Công ty Việt Long sẵn có khu xử lý rác Khe Giang bằng công nghệ hỏa thiêu, đã có quy hoạch, quy mô sử dụng đất và đầy đủ hồ sơ pháp lý hoạt động; doanh nghiệp lại có kinh nghiệm hỏa thiêu rác, rác không cần phân loại đổ thẳng vào lò đốt cháy triệt để.
Nhật Bản đưa công nghệ xử lý chất thải thành năng lượng vào nhà máy rác Khe Giang, sẽ vận hành theo hình thức chuyển giao công nghệ, giảm bớt được nhiều thủ tục hành chính, đầu tư nhanh đạt được mục đích.
Tỉnh Quảng Ninh và các Sở, ngành chức năng dự Hội nghị khởi động dự án này, hoan nghênh Tập đoàn Chodai CoLtd, Tập đoàn Maeda Corporation và Công ty Việt Long liên doanh đầu tư vào Quảng Ninh trong lĩnh vực môi trường, trong thời điểm địa phương đang chuyển động mạnh nền kinh tế từ nâu sang xanh.
Được biết, dự án Xử lý chất thải y tế - Xử lý chất thải sinh hoạt thành năng lượng sử dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nhất hiện nay vì có thể xử lý chung cả chất thải y tế và chất thải sinh hoạt, thu hồi nhiệt để chạy tua bin phát điện. Đây cũng là dự án tái tạo năng lượng có thể giảm thiểu phát thải nhà kính qua việc phát điện, đóng góp vào chủ trương trung hoà khí cacbon của Chính phủ Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, đến nay, 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) (tương đương 787 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; mới chỉ 26% tổng lượng CTRSH (tương đương 295 tấn/ngày) được xử lý bằng công nghệ đốt; 2-4% lượng CTRSH (tương đương 22 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến phân compost.
Còn đối chất thải nguy hại (CTNH), tổng lượng chất thải phát sinh năm 2021 là hơn 8.567 tấn/năm. Trong đó, lượng chất thải lây nhiễm, chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm là hơn 531,5 tấn (chiếm khoảng 6,2%); ngoài ra, lượng chất thải y tế thông thường là gần 2.412 tấn. Hiện 99,84% lượng CTNH được các chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vận chuyển, xử lý; 0,16% lượng CTNH còn lại (gần 14 tấn) được thu gom, lưu kho đảm bảo theo quy định chờ xử lý.