Đà Nẵng: Chung tay giảm rác thải đại dương để “4 mùa biển xanh”

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:30, 30/09/2022

Ô nhiễm rác thải đại dương là một thực trạng đáng báo động trên toàn thế giới trong đó có cả Việt Nam, quốc gia với bờ biển trải dài trên 3.260km từ Bắc xuống Nam. Thực trạng này, ở thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng, cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đáng lo ngại.
W_o-nhiem-nhua-dai-duong.jpg-6(1).jpg
Rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề cấp bách, đáng báo động

Thực trạng đáng báo động toàn cầu

Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), mỗi năm có khoảng từ 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Thậm chí, rác thải nhựa đã xuất hiện ở cả những vùng xa xôi nhất và các khu vực nguyên sinh của Trái đất như ở Bắc Cực.

Ô nhiễm nhựa đại dương đã tác động đến sự sống của các loài sinh vật biển như rùa biển, chim biển, cá, rạn san hô... Các nhà khoa học ước tính, hơn một nửa số rùa biển trên thế giới và gần như mọi loài chim biển trên Trái đất đã ăn nhựa trong suốt cuộc đời của chúng, khiến chúng bị vỡ nội tạng. Hải cẩu và các loài sinh vật biển có vú khác nguy cơ cao bị mắc vào các mảnh vụn lưới đánh cá còn lại trong đại dương vì ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và hoạt động đánh bắt trái phép. Các loại rác thải nhựa cũng ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của nhiều loài sinh vật ở biển Thái Bình Dương.

W_o-nhiem-nhua-dai-duong.jpg-1(1).jpg
Nhiều vị trí trên bãi biển bị rác tấp vào sau mỗi đợt mưa lớn, kèm theo nhiều kim tiêm, xi-lanh là mối nguy hiểm cho người thu gom

Và hệ quả đáng sợ hơn nữa là nếu những sinh vật này bị đe dọa có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi thức ăn của một số loài sinh vật biển và tất nhiên là ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của loài người. Chẳng hạn như khi cá hay rùa biển ăn tảo và sinh vật phù du thì nguồn thức ăn của chúng sẽ bị cạn kiệt. Vì vậy, nếu quần xã các loài đó giảm thì nguồn thức ăn của cá ngừ, cá mập và cá voi cũng giảm. Điều đáng nói là nguồn hải sản cạn kiệt làm tăng giá mặt hàng hải sản.

Ô nhiễm nhựa cũng ảnh hưởng đến cảnh quan của những bãi biển đẹp trên toàn thế giới và Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy. Các loại nhựa thủy sản như phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ, phao nhựa, dây câu chiếm 47% về số lượng và 46% về khối lượng rác thải nhựa. Do đó, thu gom rác thải nhựa trên biển đang là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đà Nẵng đang làm tốt việc bảo vệ đại dương

Đà Nẵng có bờ biển dài, xanh mướt và được tạp chí lừng danh Forbes bình chọn là “Một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh”, nhân dân và chính quyền TP Đà Nẵng luôn coi trọng các chiến dịch bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu “Vì một đại dương xanh mát”.

W_o-nhiem-nhua-dai-duong.jpg-2(1).jpg
Lực lượng Cảnh sát Cơ động CATP Đà Nẵng chia thành nhiều nhóm để thu gom rác, làm sạch bãi biển

Trong những năm qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng liên tục chú trọng vào công tác bảo vệ môi trường biển, theo đó, công bố những chiến dịch dự án môi trường quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Mới đây, ngày 14/9, nhằm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch năm 2022 được thiết thực, hiệu quả, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Đà Nẵng ban hành văn bản số 5054/UBND-STNMT về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng triển khai nhiều chiến dịch đạt hiệu quả như dự án “Đại dương không nhựa”, từ tháng 10/2017- 4/2019. Dự án đã góp phần giảm thiểu việc xả rác thải nhựa ra môi trường biển và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Đã có hơn 21.000 hộ gia đình thực hiện phân loại, thu gom được gần 7.700 kg rác thải nhựa; 29.850 kg rác tái chế thành tài nguyên, góp phần giảm thiểu áp lực xử lý rác thải của thành phố và nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

W_o-nhiem-nhua-dai-duong.jpg-3(1).jpg
Tình nguyện viên tham gia dọn rác làm sạch bãi biển Đà Nẵng hồi tháng 4/2022

Chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” dọn vệ sinh môi trường bãi biển do Thành đoàn Đà Nẵng phát động cũng đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đồng thời, có nhiều chương trình cũng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng phải kể tới phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng các hoạt động thiết thực làm sạch bãi biển, hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm từ nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia xây dựng TP Đà Nẵng ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Thành đoàn Đà Nẵng còn có nhiều chiến dịch thiết thực khác như “Hãy làm sạch biển” bảo vệ môi trường với mục tiêu phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, sinh viên trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Từ đó, người trẻ chung sức cùng nhau hành động vì một bãi biển xanh, sạch; mở rộng vận động quần chúng nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo, tham gia bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, chiến dịch "Hãy làm sạch biển” còn cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường thông qua các hoạt động thiết thực làm sạch bờ biển, vệ sinh môi trường, phòng, chống, hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm từ nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu.

W_o-nhiem-nhua-dai-duong.jpg-4(1).jpg
Các tình nguyện viên tham gia Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” Đà Nẵng

Cùng với đó, phong trào, chiến dịch “Hãy làm sạch biển” của thành phố còn luôn nhận được sự đồng hành, tham gia tích cực của đông đảo đội ngũ làm công tác tuyên truyền, truyền thông, các phóng viên, nhà báo đang hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Anh Nguyễn Ngọc Quốc, phóng viên trẻ tại TP Đà Nẵng và cũng là một trong những thành viên tích cực tham gia các chiến dịch xanh bảo vệ môi trường chia sẻ: “Đây là những cách làm hay mang lại kết quả khả quan, giúp người dân nâng cao ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển. Tôi nghĩ, không chỉ Đà Nẵng, nhiều tỉnh thành khác cũng đang làm rất tốt việc bảo việc đại dương với những chiến dịch thiết thực như thế này”.

Để “4 mùa biển xanh” hơn nữa

Không chỉ Đà Nẵng, các địa phương khác cũng trên khắp cả nước cũng đang đồng loạt ban hành những kế hoạch hành động vì môi trường không rác thải nhựa mà trước hết là các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân thông qua việc giảm sử dụng các sản phẩm nhựa một lần trong tiêu dùng, sinh hoạt… cùng các hoạt động làm sạch môi trường, làm sạch bãi biển đã trở thành những phong trào trong các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư.

W_o-nhiem-nhua-dai-duong.jpg-5(1).jpg
Chương trình ra quân "Ngày Chủ nhật xanh" dọn vệ sinh bãi biển Đà Nẵng thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên

Tại Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra vào tháng 5/2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng, đã khẳng định: “Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này”. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, hiện Việt Nam hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

W_o-nhiem-nhua-dai-duong(1).jpg
Nhiều siêu thị sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon. Ảnh: Central Retail

Hiện nhiều siêu thị lớn của Việt Nam đã có những hành động cụ thể và thiết thực để giảm thiểu túi nilon cũng như khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần, chương trình tích điểm khi không sử dụng túi nilon. Theo đó, các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon. Nhiều siêu thị có dịch vụ “Cho thuê túi môi trường”, khách hàng sẽ được hoàn tiền khi mang trả túi cho lần mua hàng tiếp theo.

Có thể thấy, chiến dịch “Hãy làm sạch biển” của Đà Nẵng và nhiều chiến dịch thiết thực khác của các tỉnh thành trên khắp cả nước đã đang và sẽ tiếp tục theo chân mỗi công dân Việt Nam trên hành trình “đối xử tử tế hơn với đại dương”. Bởi mỗi hành động nhỏ của chúng ta hôm nay đang không ngừng lan tỏa, truyền đi những thông điệp ý nghĩa, thiết thực về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sự sống của chính chúng ta ở hiện tại và tương lai.

Khả Anh