TP.HCM: Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm đạt 90,52%

Kinh tế - Ngày đăng : 15:30, 30/09/2022

9 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM ước tăng 9,71% so với cùng kỳ. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 4,04%; Công nghiệp - xây dựng ước tăng 12,28%; Thương mại dịch vụ ước tăng 10,05%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 4,32%. Tổng thu ngân sách Nhà nước khoảng 349,9 ngàn tỷ đồng, đạt 90,52% dự toán năm và tăng 27,69% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 104,7 ngàn tỷ đồng, đạt 89,9% dự toán, tăng 19,74% so cùng kỳ so với cùng kỳ.

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo của UBND TP HCM, 9 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. HCM ước tính tăng 9,71% so với cùng kỳ. Trong đó, Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 4,04%; Khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 12,28% (ngành công nghiệp tăng 12,59% so với cùng kỳ); Khu vực thương mại dịch vụ ước tăng 10,05%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 4,32% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 349,9 ngàn tỷ đồng, đạt 90,52% dự toán năm và tăng 27,69% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 104,7 ngàn tỷ đồng, đạt 89,9% dự toán, tăng 19,74% so cùng kỳ so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt 804.728 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 17,4%); tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 19,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 24,4% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM đạt 20,61 triệu lượt, tăng 66,1% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tăng 100% với 2,11 triệu lượt khách du lịch.

tp-hcm.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh - nơi đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội.

Có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, lãnh đạo thành phố xác định năm 2022 là năm phục hồi kinh tế - xã hội sau tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4; cũng là năm kiến tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ngay từ những ngày đầu năm, UBND Thành phố đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2022 “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Đồng thời tập trung triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội thành phố giai đoạn 2022 – 2025.

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng những mục tiêu đã đề ra, UBND Thành phố đã tiến hành một loạt những việc làm thiết thực mang tính chất quyết định như: Tổ chức các đoàn công tác do các lãnh đạo UBND Thành phố trực tiếp đến làm việc tại các sở - ngành, quận - huyện và thành phố Thủ Đức nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Qua đó xác định được công việc có trọng tâm, trọng điểm của năm để đôn đốc, nhắc nhở thực hiện.

Rà soát, thành lập, kiện toàn các tổ công tác về đầu tư; Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Tổ công tác theo dõi, chỉ đạo hoạt động các Tổng Công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Thành phố; Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI; Tổ công tác Đối ngoại và Hợp tác quốc tế TP. HCM; Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của UBND thành phố.

Làm việc xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, quan trọng, thiết thực, cấp bách và có tính chất chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của Thành phố,…để khi có phản hồi thì triển khai thực hiện. Điển hình như việc phân công, chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện Thông báo số 250/TB-VPCP ngày 17 tháng 8 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách của thành phố như: Dự án đường Vành đai 3; Dự án đường Vành đai 4; Dự án chống ngập;…lãnh đạo thành phố còn chỉ đạo các ban, ngành các cấp thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2022 về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Tập trung rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra “dịch chồng dịch” khi các dịch bệnh khác như dịch đậu mùa khỉ, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.

Thành phố đã tổ chức buổi gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, nhân viên y tế; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn chung của ngành y tế, bao gồm cả vấn đề ổn định đời sống vật chất, ổn định sức khỏe tinh thần cho cán bộ, nhân viên y tế. Qua đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền tăng biên chế đội ngũ y bác sỹ cho thành phố để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của thành phố và khu vực. Đồng thời cũng có động thái tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Quyết tâm giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế -xã hội

Kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt đã tạo tâm lý tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, lãnh đạo thành phố cũng nhìn thấy một số tồn tại, hạn chế cần phải sớm tháo gỡ.

Đó là việc chưa đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị; Là số lượng công chức tại thành phố được phân bổ chưa phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc; Là việc UBND các quận, phường khó chủ động về tài chính ngân sách trong điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cấp bách phát sinh; Tỷ lệ giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng; Công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư còn chưa chủ động, kịp thời và phù hợp với điều kiện để triển khai thực hiện các dự án. Tình trạng các nhà thầu thi công trên đường bộ đang khai thác chưa thực hiện đầy đủ theo quy định về đảm bảo an toàn giao thông trên đường bộ đang khai thác, một số rào chắn đã hết hạn nhưng vẫn chưa được tháo dỡ, công tác tái lập mặt đường một số vị trí chưa đảm bảo có nguy cơ gây mất an toàn giao thông,...

san-xuat.jpg
9 tháng đầu năm, Tổng thu ngân sách Nhà nước của TP. HCM khoảng 349,9 ngàn tỷ đồng, tăng 27,69% so với cùng kỳ.

Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường đã đề ra và được triển khai bằng nhiều giải pháp nhưng chưa đưa lại kết quả rõ rệt. Mô hình quy hoạch đô thị hiện đại và cơ chế thực thi quy hoạch cần nhiều điều chỉnh về khung pháp lý, thể chế cần thực hiện đồng bộ từ các cấp cùng sự phối hợp, tích hợp đa ngành từ cơ sở dữ liệu đến các công cụ quản lý, điều kiện thực thi về tài chính, nhân lực...

Tình hình vệ sinh môi trường của Thành phố có cải thiện nhưng vẫn còn các hạn chế cần phải khắc phục như: một số tuyến đường, công trình công cộng, công trường xây dựng… vẫn còn tình trạng thải bỏ rác bừa bãi (chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn cồng kềnh, chất thải xây dựng…) mất vệ sinh; hành vi ứng xử với môi trường của một bộ phận người dân vẫn chưa được cải thiện.

Việc triển khai lập quy hoạch thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.

Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc mặc dù được cải thiện nhưng còn chậm; nhất là trong việc trao đổi, xin ý kiến chuyên môn, hướng dẫn về lĩnh vực quản lý chuyên ngành, một số đơn vị trả lời chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, không tập trung vào nội dung vướng mắc dẫn đến kết quả giải quyết chưa đạt được như kỳ vọng.

Việc triển khai thực hiện các các kết luận, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tại một số đơn vị còn chậm, chưa đảm bảo đúng tiến độ; còn tồn đọng nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, nhiều văn bản xin ý kiến hướng dẫn chưa kịp thời giải quyết; tiến độ, chất lượng tham mưu triển khai một số chương trình, đề án chưa đáp ứng yêu cầu.

Phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, lãnh đạo TP. HCM quyết tâm 3 tháng cuối năm 2022 hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong đó, gấp rút triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND TP. HCM triển khai và phân công thực hiện.

Tiếp tục rà soát, triển khai những nội dung thực hiện Chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững cũng như đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 mà thành phố đang triển khai; Tập trung rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống.

Với quyết tâm giải quyết dứt điểm những công việc chưa hoàn thành, Ban cán sự đảng và lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo các ngành triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện trong 9 tháng đầu năm nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý 4 và Kế hoạch năm 2022.

Ngọc Long