Bất cập vấn đề cấp nước sạch cho người dân Thủ đô (Bài 1): Những thực trạng hiện hữu

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:30, 30/09/2022

Vùng cấp nước Thủ đô rất rộng nên việc đưa nước sạch đến tận mỗi nhà dân vẫn còn là nhiệm vụ khó khăn. Việc bảo đảm để người dân tiếp cận được với nước sạch vẫn phải là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Sự cố nhỏ cảnh báo nguy cơ lớn

Vào khoảng 18h ngày 21/9/2022, tại khu vực suối Cun (xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình), xảy ra vụ tai nạn khiến xe tải mang BKS 29H-588.31 lật xuống lòng suối. Vụ việc không có thương vong về người nhưng khiến một lượng dầu máy của xe rò rỉ ra lòng suối, rồi về hồ Đầm Bài - nơi cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.

Sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo địa phương đã phối hợp với nhân viên của nhà máy nước dùng phao chặn suối, đồng thời lấy mẫu nước tại 3 vị trí là điểm xe bị lật, điểm giữa và điểm cuối gần khu vực nước chảy vào nhà máy. Sau vụ tai nạn, lực lượng chức năng phát hiện vết dầu loang nổi trên mặt nước, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã kích hoạt phương án phòng ngừa xử lý sự cố, trong đó có việc tạm dừng cấp nước và bổ sung phao thấm dầu.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-ha-noi.jpg
Đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn, bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng phức tạp, khó kiểm soát

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã mời Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đến xử lý sự cố. Đồng thời, mời Viện Y học lao động và Công nghệ môi trường và Viện Hóa học công nghệ Việt Nam lấy mẫu, xét nghiệm nước. Đến 13h30 ngày 22/9, Nhà máy nước sạch Sông Đà đã vận hành cấp nước trở lại.

Trước đó vào tháng 10/2019, người dân nhiều quận, huyện của Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt nhiễm dầu và nồng nặc mùi Clo (hóa chất làm sạch nguồn nước). Thành phố Hà Nội sau đó khuyến cáo người dân không ăn, uống nước này. Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện có 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà. Sự cố tạo ra cuộc khủng hoảng nước sạch ở phía tây Hà Nội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của hơn 250.000 người dân.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-ha-noi-1.jpg
Nhiều huyện, khu dân cư, vùng nông thôn của Hà Nội, người dân vẫn không đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt

Nhiều nơi thiếu nguồn cấp nước

Mặc dù thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch từ năm 2013, song đến nay người dân huyện Chương Mỹ vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ cho biết, nguồn nước sạch chính của huyện vẫn là từ các trạm cấp nước cục bộ, xây dựng trong giai đoạn 1998-2015. Còn ông Trịnh Hữu Hạ (người dân thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) nhận xét: “Chất lượng nước từ các trạm cấp nước không bảo đảm. Để dùng ăn uống, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác phải đầu tư thêm hệ thống lọc”.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội (đơn vị được thành phố giao thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 8 xã của huyện Đan Phượng), công ty đã thi công giai đoạn 1 tuyến ống truyền dẫn nối từ huyện Hoài Đức đến thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) và sẵn sàng thi công giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn là chưa có nguồn nước sạch, do Nhà máy nước sạch sông Hồng chưa hoàn thành.

Thông tin về thực trạng cấp nước sạch trên địa bàn thành phố, phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết, hiện tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung đạt 1.520.000m3/ngày-đêm, thiếu 210.000m3/ngày-đêm so với Quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 21-3-2013). Tổng công suất các nguồn nước sạch chỉ đủ phục vụ người dân khu vực nội thành và lân cận, chưa thể “vươn” tới khu vực nông thôn, nhất là địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ... Tại khu vực này, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch rất thấp, khoảng 10-35% (tỷ lệ người dân khu vực nông thôn của toàn thành phố được sử dụng nước sạch hiện là 78%) và nguồn cấp chủ yếu từ các công trình nước sạch tập trung nông thôn.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-ha-noi-2.jpg
100% người dân ngoại thành được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn là một mục tiêu lớn cần thực hiện

Chỉ mới 264/413 xã tiếp cận được nguồn nước sạch

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, các nguồn cấp nước hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân ngay cả thời điểm nắng nóng mùa hè. Việc thiếu nước cục bộ chỉ xảy ra trong trường hợp sự cố và công tác khắc phục cấp nước trở lại cũng được thực hiện ngay.

Tuy nhiên, ở các huyện ngoại thành Hà Nội tình hình nước sạch còn rất thiếu. Tính đến hết tháng 5/2021, chỉ có hơn 20% người dân huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội được sử dụng nước sạch. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, gần 80% dân số các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn phải trông chờ vào nguồn nước giếng khoan, giếng khơi, nước mưa… Ở các huyện Thanh Trì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thường Tín, Ứng Hòa cũng đều ở trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng.

So với cuối năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Hà Nội chỉ có thêm 12 xã nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch. Tại khu vực nông thôn, ở thời điểm này, chỉ mới có 264/413 xã tiếp cận được nguồn nước sạch.

Khu vực đô thị tỷ lệ dân được được cấp nước rất cao nhưng vẫn bị thiếu nước sạch vào những tháng cao điểm, đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng mỗi khi xảy ra tình trạng vỡ ống, cắt nước. Một số nhà máy nước ngầm hiện nay bị suy giảm về trữ lượng cũng như chất lượng. Sản lượng nước sạch đảm bảo chất lượng chỉ tập trung vào các nhà máy xử lý nước mặt từ sông Hồng, sông Đà, sông Đuống cung ứng.

Theo Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội Ngô Văn Đức, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chỉ có 35% người dân nông thôn ở Hà Nội được tiếp cận nước sạch là giá nước.

Hà Nội đang áp dụng chính sách giá nước lũy tiến, nếu sử dụng dưới 10m3 giá chỉ 5.973 đồng/m3 và mức giá này là dưới giá thành sản xuất. Như vậy doanh nghiệp chưa bán đã lỗ khi người dân nông thôn chủ yếu dùng dưới 10m3/tháng.

Hà Nội hiện là địa phương có giá nước sạch thấp trong các địa phương trên toàn quốc. Giá nước thấp cũng là một trở ngại lớn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư sản xuất nước sạch. Theo quy định thì 5 năm, giá nước phải được điều chỉnh một lần, nhưng từ năm 2013 tới nay, giá nước do UBND Thành phố quy định đã không thay đổi.

Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp kinh doanh nước sạch lớn gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty CP Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.

Có một nghịch lý là Hà Nội dù thiếu nước sạch và đang sử dụng hơn nửa triệu m3 nước ngầm, chất lượng thấp, mỗi ngày, nhưng các nhà máy xử lý nước mặt sản xuất nước sạch vẫn chưa tiêu thụ hết công suất, như Nhà máy nước mặt sông Đuống, Nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh là một hệ thống bao gồm các công trình khai thác, xử lý nước, mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch đến khách hàng sử dụng nước và các công trình phụ trợ có liên quan. Mỗi công trình cấp nước đều xác định phạm vi cấp nước cụ thể và công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu phát triển trong phạm vi cấp nước tương lai.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-ha-noi-5.jpeg
Nước cấp đục, có màu – không đảm bảo chất lượng

Thực trạng về hệ thống cấp nước tại Hà Nội

Theo báo cáo đánh giá của UNICEF, khu vực phía Nam Hà Nội nước bị nhiễm asen rất nặng, thậm chí đứng đầu danh sách các địa chỉ ô nhiễm asen trên toàn quốc như Pháp Vân, Tương Mai, Linh Đàm, Nam Dư (Hoàng Mai), Hạ Đình (Thanh Xuân), Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng)…. Khu vực Hà Đông, chỉ số nhiễm Nitrit vượt quá tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Khu vực Đống Đa thời gian gần đây các kết quả xét nghiệm đều cho kết quả nước có hàm lượng Nitrit trên 20mg/l, vượt quá tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra là 3mg/l còn ở quận Hoàng Mai thì hầu hết các mẫu nước đều có chỉ số Amoni vượt quá tiêu chuẩn.

Hệ thống cấp nước sinh hoạt tại Hà Nội do Công ty Kinh doanh nước sạch (CTKDNS) Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý, có nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Sau hơn một thế kỷ vận hành khai thác, hệ thống đã được mở rộng và nâng cấp nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch cho dân cư thủ đô. CTKDNS Hà Nội, chịu trách nhiệm cấp nước cho 8 quận nội thành là: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng,Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Ba Đình và 2 huyện ngoại thành là Từ Liêm và Thanh Trì. CTKDNS Hà Nội số 2, chịu trách nhiệm cấp nước cho quận Long Biên và 2 huyện ngoại thành là Gia Lâm và Đông Anh.

Từ tháng 6/2008, Nhà máy nước Sông Đà (Vinaconex) đi vào vận hành, sử dụng nguồn nước cấp từ Sông Đà đã mở ra hướng sử dụng nước mặt để cung cấp nước cho các đô thị trên địa bàn Hà Nội.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-ha-noi-4.jpg
Công nhân đang nỗ lực vớt dầu thải trả lại sự trong lành cho dòng sông Đà (Nguồn ảnh Internet)

Chất lượng nước máy ở Hà Nội hiện nay ra sao?

Hiện nay tại các quận huyện của thủ đô Hà Nội, có một thực tế là người dùng không biết, thậm chí nhiều người không quan tâm nguồn nước sinh hoạt mà gia đình mình đang sử dụng là do nhà máy nào sản xuất mà chỉ biết đang dùng nước giếng khoan, nước máy sông Đà… trong khi đó chỉ là nguồn cấp nước cho các nhà máy.

Những ngày gần đây có nhiều thông tin về chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt không đảm bảo được người dân phản ánh nhiều trên các trang thông tin về tình trạng nước sạch tại nhiều khu vực có hiện tượng vẩn đục, nổi váng, và có cặn bám xung quanh các vật chứa nước. Nhiều hộ gia đình đã chủ động liên hệ hoặc đem mẫu nước của gia đình đi xét nghiệm, kết quả cho thấy các mẫu nước này đều có hàm lượng kim loại hoặc độ cứng cao, hàm lượng các thành phần như Amoni (NH4+), Nitrit (NO2-), sắt, mangan, asen… vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với nước cấp cho sinh hoạt và nước phục vụ ăn uống do Bộ Y tế quy định.

Theo báo cáo đánh giá của UNICEF, khu vực phía Nam Hà Nội nước bị nhiễm asen rất nặng, thậm chí đứng đầu danh sách các địa chỉ ô nhiễm asen trên toàn quốc như Pháp Vân, Tương Mai, Linh Đàm, Nam Dư (Hoàng Mai), Hạ Đình (Thanh Xuân), Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng)…. Khu vực Hà Đông, chỉ số nhiễm Nitrit vượt quá tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Khu vực Đống Đa thời gian gần đây các kết quả xét nghiệm đều cho kết quả nước có hàm lượng Nitrit trên 20mg/l, vượt quá tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra là 3mg/l còn ở quận Hoàng Mai thì hầu hết các mẫu nước đều có chỉ số Amoni vượt quá tiêu chuẩn. Bên cạnh đó là nhiều nguồn nước của các khu vực khác cũng có dấu hiệu không đảm bảo yêu cầu chất lượng. Điều này gây mất cảm quan trong quá trình sử dụng, đồng thời ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, gây ra sự hoang mang lo lắng cho người dân.

Nguyên nhân có thể là do hạ tầng cung cấp nguồn nước tại các khu vực này bao gồm hệ thống đường ống, bể ngầm, bể nổi không đảm bảo, xuống cấp do lâu ngày không được bảo trì bảo dưỡng và vệ sinh định kỳ, chất lượng nước ngầm xuống cấp, công nghệ nhà máy lạc hậu- xử lý nguồn nước không hiệu quả trong khi hoạt động đô thị hóa đang tăng, các khu công nghiệp mọc lên như nấm đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nước mặt cũng như nước ngầm của thành phố.

Bên cạnh đó hệ thống đường ống nước sông Đà tính đến nay đã vỡ tới 16 lần, 2 lần gần đây nhất chỉ cách nhau có 1 ngày là vào ngày 25 và 26/9 gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, dẫn tới một số nơi bị mất nước, nhiều khu vực thiếu nước và phải dùng nguồn nước chuyển giao từ nguồn nước khác, tuy nhiên quá trình chuyển giao không đảm bảo khiến cho nước vẩn đục, có cặn, không đảm bảo chất lượng .

Tuấn Kiệt