Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Giáo dục - Ngày đăng : 19:30, 30/09/2022

Từ năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10), sau đó sẽ giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).
phuong-an-thi.jpg
Ảnh minh hoạ.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022.

Bộ GDĐT nhấn mạnh việc tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực; bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đồng thời, chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi thi phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ các môn học ở cấp THPT. Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi; nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có).

Cũng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và định hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi của Bộ. Đồng thời, tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và sở giáo dục và đào tạo trong chỉ đạo tổ chức thi tại địa phương.

Về nhân sự cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường quán triệt quy chế và hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT; Nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức các khâu của kỳ thi.

Liên quan tới công tác tuyển sinh đại học, từ năm 2023, sẽ áp dụng chính sách cộng điểm ưu tiên mới trong xét tuyển đại học.

Cụ thể, từ năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10), sau đó sẽ giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).

Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội và sự công bằng cho những thí sinh có năng lực nhưng vì không có điểm ưu tiên nên gần như khó đỗ vào các ngành hot của trường top trên.

Cũng vì chính sách cộng điểm ưu tiên chưa hợp lý, nên tại nhiều trường, thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất vào trường có thể không phải là thí sinh có điểm thi cao nhất.

Đơn cử, thủ khoa của Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022 có tổng điểm xét tuyển 31,30/30 điểm (đến từ Vĩnh Phúc). Thí sinh này đạt 8,8 điểm môn Toán, môn Hóa đạt 9,00, môn Sinh đạt 9,25 điểm và có điểm cộng khu vực 0,25 cùng 4 điểm cộng từ quy đổi giải học sinh giỏi quốc gia.

Trong khi đó, á khoa của trường này là thí sinh có điểm thi môn Toán 9,2 điểm; môn Hóa 9,75 điểm; môn Sinh 9,25 điểm. Do có hộ khẩu Hà Nội nên thí sinh này không được cộng điểm ưu tiên khu vực song em có thêm 3 điểm cộng khuyến khích khi quy đổi giải học sinh giỏi quốc gia.

Chuyên gia chỉ ra với trường top giữa, mức 0,25-0,75 điểm cộng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Tuy nhiên, với trường top trên, chỉ 0,01 điểm cũng có thể quyết định đậu hay trượt nên việc cộng điểm ưu tiên dù đã được điều chỉnh trong những năm qua vẫn cần tiếp tục điều chỉnh vì quyền lợi, công bằng của thí sinh.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp THPT hàng năm.

Việc áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế.

Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế.

Minh Minh