Phú Thọ: Bảo tồn và phát triển làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường
Kinh tế - Ngày đăng : 19:00, 02/10/2022
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3750/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2022 - 2030.
Theo đó, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Phú Thọ công nhận 75 làng nghề gồm: Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 44 làng nghề; Nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ (đồ gỗ, mây tre đan, dệt may...) có 20 làng nghề; Nhóm làng nghề xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng có 2 làng nghề; Nhóm làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 9 làng nghề. Trong đó, có 71 làng nghề hoạt động ổn định và 4 làng nghề có nguy cơ mai một, ngừng hoạt động do không còn đạt các tiêu chí công nhận làng nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Hình thức tổ chức sản xuất ở các làng nghề chủ yếu theo quy mô hộ gia đình với 6.837 hộ, 25 doanh nghiệp và 11 hợp tác xã; giải quyết việc làm cho 16.763 lao động, trong đó có 11.777 lao động thường xuyên; tổng doanh thu của các làng nghề đạt 1.427,9 tỷ đồng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên đồng thời tiếp tục khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững, có hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022-2030, cụ thể:
Giai đoạn 2022 - 2025: Khôi phục, bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề hiện có đang hoạt động ổn định và đạt các tiêu chí theo quy định; phát triển 3 - 4 làng nghề gắn với du lịch; công nhận mới 4 làng nghề.
Phấn đấu có trên 70% làng nghề hoạt động có hiệu quả; có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 30% số làng nghề có sản phẩm được hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể.
80% lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân của lao động của các làng nghề tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2021; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Giai đoạn 2026 - 2030: Khôi phục, bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề hiện có đang hoạt động ổn định và đạt các tiêu chí theo quy định; công nhận mới 6 làng nghề; phát triển 5 - 6 làng nghề gắn với du lịch.
Có trên 80% làng nghề hoạt động có hiệu quả; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể.
100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề tăng trên 10%/năm; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Kế hoạch cũng đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện, gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền; bảo tồn và phát triển các làng có nghề và các làng nghề đã được công nhận; bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ nhân; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; công tác đào tạo nguồn nhân lực; công tác ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề.