Công nhân môi trường xuyên Tết “chiến đấu” với rác thải
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 05:30, 03/02/2022
Dịp Tết Nguyên đán, lượng rác thải sinh hoạt tăng đột biến so với ngày thường
Thời gian qua, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng, phát triển Thủ đô theo hướng bền vững đã và đang được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trong đó, không thể không kể đến những đóng góp thầm lặng của các doanh nghiệp, đơn vị, công nhân thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố.
Đến Chi nhánh Nam Sơn (Urenco 8) của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội những ngày cuối năm, mới thấy cảnh tất bật, vội vàng của các công nhân vệ sinh môi trường, công nhân khu chôn lấp rác thải liên tục thay phiên làm việc. Các xe chở rác nối đuôi nhau ra vào bãi, tất cả đều hối hả thực hiện công việc làm đẹp, làm sạch cho thành phố. Trái ngược hẳn với cảnh phố xá đông đúc người mua sắm, “tay xách nách mang” chuẩn bị cho Tết cổ truyền.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc chi nhánh Urenco 8 cho biết: “Mọi năm, cứ từ 23 tháng Chạp, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn Thủ đô tăng đột biến. Nhất là những năm dịch Covid-19 vừa qua, lượng rác đổ về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn nhiều hơn những năm chưa có dịch. Năm ngoái, cao điểm nhất là 8.181 tấn/ngày, mọi năm cao điểm hơn 7.000 tấn/ngày. Trong khi khối lượng tiếp nhận trung bình chỉ khoảng 5.000 – 5.500 tấn/ngày, xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn cao điểm nhất vào đêm 30 Tết.”
Trong ngồn ngộn rác mà ai cũng né tránh và bỏ đi ấy lại là nơi mà những công nhân xử lý rác thải cần mẫn làm việc. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp như phun khử bằng hóa chất, song không thể tránh khỏi mùi hôi thối bốc lên từ rác thải. Công nhân làm việc ở đây không chỉ có nam giới, những người có sức khỏe mà còn có cả phụ nữ, thậm chí có những chị em đã gắn bó với nghề thu gom, xử lý rác này tới trên chục năm.
Vật lộn với đống rác thải sinh hoạt bốc mùi vô cùng khó chịu, anh Tâm, công nhân môi trường ở Urenco 8 chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, công việc của mình thì mình chấp nhận và tự động viên là có những người như mình thì phố phường, đường xá Thủ đô mới sạch đẹp, bà con đi chơi Tết, đón Xuân được vui vẻ, trong lành. Công việc của mình thì thời gian cũng như mọi người thôi, gần Tết lượng rác lớn thì có thể tăng ca, nhưng môi trường làm việc thì rất ô nhiễm vì xung quanh toàn rác thải mà. Công ty cũng đã đầu tư đồ bảo hộ, thiết bị theo quy định, rồi phun khử mùi, nên cũng giảm tải được ít nhiều độc hại.”
Chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7) là đơn vị duy nhất được cấp phép xử lý phân bùn tại Thủ đô. Đặc thù của quy trình xử lý phân bùn là hoạt động suốt cả năm không nghỉ, vì vậy luôn phải có công nhân môi trường vận hành, kể cả những ngày Tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân vận hành quy trình xử lý phân bùn ở Urenco 7 khi tiếp xúc với phóng viên đề nghị được đứng xa, hỏi ra mới biết lý do vì người vẫn ám mùi chất thải.
“Đây là công việc nuôi sống bản thân và các con nên tôi không ngại gì cả. Công ty cũng bố trí đầy đủ đồ bảo hộ lao động, có những đồ chỉ dùng một lần phải bỏ đi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Những ngày Tết thì công việc xử lý phân bùn này cũng ít, nhưng vẫn phải phân chia ca làm việc, vận hành liên tục. Tết năm ngoái tôi phải trực, hai con ở nhà gọi điện thoại liên tục hỏi bao giờ mẹ về, mẹ làm cả năm rồi chỉ mong mẹ ở nhà ăn Tết với con. Những lúc như vậy mình cũng cảm thấy chạnh lòng chứ, nhưng rồi chị em đồng nghiệp lại động viên, mình cũng nói với con là sẽ cố gắng xong sớm để về với con thôi”, chị Thủy chia sẻ.
Những công nhân đang làm việc thầm lặng đã góp phần giúp cho môi trường đô thị thêm sạch đẹp
Chị Lê Minh Dân, công nhân môi trường ở Urenco 7 có con gái mới chỉ 5 tuổi nhưng Tết năm nào chị cũng cố gắng hoàn thành tất cả công việc rồi mới về với gia đình. “Mình xác định gắn bó với nghề này thì phải chấp nhận hết rác, hết việc mới đi về, càng dịp Tết cao điểm, khối lượng công việc lại càng nhiều. May mắn là ông xã và bố mẹ hai bên rất thông cảm và cũng động viên mình cố gắng. Mọi việc ở nhà và con nhỏ thì phải nhờ bố mẹ giúp đỡ. Tết năm ngoái đang trực thì con gọi điện bảo chờ mẹ về dẫn đi xem pháo hoa nhưng công việc mình được phân công phải hoàn thành, khi về thì con đã ngủ rồi. Thực sự nghề nào cũng vất vả, chỉ mong người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, và cũng tôn trọng nghề vệ sinh môi trường này vì chúng tôi cũng góp sức làm đẹp cho đời, làm sạch cho thành phố”, chị Dân nghẹn ngào chia sẻ.
Xác định đây là môi trường làm việc độc hại, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của người lao động, thời gian qua Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đặc biệt quan tâm triển khai các chính sách đãi ngộ, các phương tiện bảo hộ và môi trường làm việc thông thoáng nhất có thể. Qua đó giúp người lao động yên tâm gắn bó với công việc. Theo chị Lê Minh Dân, công nhân môi trường làm việc tại Urenco 7 cho biết: “Công nhân ở đây được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách như hỗ trợ độc hại, được khám sức khỏe định kỳ hằng năm, lương thưởng được đảm bảo. Đặc biệt, đơn vị cũng được đầu tư hệ thống hút bụi, thông gió đảm bảo môi trường làm việc cho công nhân.”
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, càng gần Tết Nguyên đán thì những lời động viên thăm hỏi, những phần quà, phần thưởng xứng đáng sẽ góp phần giúp cho các anh chị em công nhân vệ sinh môi trường, công nhân nhà máy xử lý rác có thêm động lực, tiếp tục cống hiến cho môi trường xanh – sạch – đẹp của Thủ đô.
Những công nhân đang làm việc thầm lặng trong môi trường độc hại đã góp phần giúp cho môi trường đô thị thêm sạch đẹp mỗi ngày. Bởi vậy, mỗi người dân hãy có những hành động thiết thực để sẻ chia, ý thức hơn trong quá trình thu gom, thực hiện phân loại rác tại nguồn, và cần đổ rác đúng nơi quy định nhằm chung tay bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Thế Đoàn