PGS.TS Cao Thế Hà: Khoa học môi trường – Ngành học cho sự phát triển bền vững
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:30, 03/02/2022
PGS. TS Cao Thế Hà – Giám đốc chương trình kỹ thuật môi trường – Trường Đại học Việt – Nhật, Đại học quốc gia Hà Nội
PV: Để gắn bó với một nghề nào đó chắc hẳn sẽ có những cơ duyên. Vậy cơ duyên nào khiến ông gắn bó với việc nghiên cứu và giảng dạy về xử lý môi trường?
PGS.TS Cao Thế Hà: Tôi được đào tạo để trở thành nhà hóa học, cụ thể là Hóa xúc tác. Tại sao tôi bắt đầu từ xúc tác và sau đó lại quan tâm tới xử lý môi trường? Đúng là ít nhiều cũng có cơ duyên. Tôi học đại học ngành Hóa ở Liên Xô cũ, về nước năm 1975 với hoài bão xây dựng tổ quốc, cụ thể là tham gia nhóm nghiên cứu xúc tác hóa dầu. Rất tiếc, nhà máy lọc dầu mãi không ra đời (năm 1998 mới động thổ, thay đổi đối tác, thay đổi phương án …, mãi 22/02/2009 mới ra dòng dầu đầu tiên). Những năm 1980-1990 là những năm đất nước rất khó khăn, tôi đã chuyển đề tài nghiên cứu từ xúc tác hóa dầu sang xúc tác hydrô hóa (làm cứng) dầu thực vật (để làm bơ thực vật – margarin, dầu chiên mì ăn liền, làm mỡ bôi trơn cho xe cộ) và bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ theo hướng này vào năm 1992.
Luận án tiến sĩ của tôi về xúc tác hợp kim, thế là từ nhà hóa học, tôi ít nhiều có hiểu biết về hợp kim. Thế rồi tôi cùng các giáo sư khoa luyện kim, Đại học Bách Khoa lại thực hiện khá thành công một Đề tài cấp nhà nước về vật liệu hàn răng. Chúng tôi đã đào tạo được 1 nghiên cứu sinh, có giải Vifotec trong hướng nghiên cứu này. Tôi luôn nung nấu làm gì cho dân mình, vì thế đã rất cố gắng để thương mại hóa sản phẩm vật liệu amalgam hàn răng của đề tài, song gặp khá nhiều khó khăn.
Cũng thời gian này, Luật Môi trường năm 1994 ra đời, tôi bắt đầu quan tâm hơn đến môi trường. Khi đó các đồng nghiệp tại Phân viện ở TP.HCM, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) có đề nghị tôi xử lý nước nhiễm phèn ở đồng bằng sông Cửu Long để làm nước cấp. Thế là trong 1 tháng, cùng với 1 bạn từ phân viện Hồ Chí Minh (nguyên là sinh viên cũ của tôi) chúng tôi đã tìm ra công nghệ, sau đó các bạn ấy đã chế tạo ra vật liệu xúc tác Aluwat để xử lý nước nhiễm phèn và phát triển khá thành công.
Có thể nói, đây là thời điểm tôi bắt đầu quan tâm đến công nghệ môi trường. Tôi càng đọc càng thấy mình có tiềm năng trong lĩnh vực này vì ngành mà tôi được đào tạo là Hóa Lý là gốc của công nghệ hóa học, mà công nghệ hóa học lại là cơ sở của công nghệ môi trường. Thế rồi khoa Hóa của tôi thành lập bộ môn Công nghệ môi trường, Trung tâm Công nghệ môi trường và trường Đại học Khoa học tự nhiên thành lập Khoa Khoa học Môi trường và Trung tâm công nghệ môi trường. Khoa Hóa được nâng lên cấp trường và đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, rồi tôi lại được phân công xây dựng Chương trình đào tạo công nghệ môi trường. Thế là tôi chuyển hẳn sang lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về công nghệ môi trường.
PV: Những năm trước đây, ngành kỹ thuật xử lý môi trường là một ngành còn mới tại Việt Nam. Vậy, ông đã gặp phải khó khăn như thế nào trong công tác giảng dạy và đào tạo?
PGS.TS Cao Thế Hà: Cái gì mới cũng đem lại nhiều kì vọng, tuy nhiên sẽ có nhiều thách thức.
Khó khăn lớn nhất khi đào tạo ngành công nghệ môi trường là vì nó rất “đa ngành”. Nó đòi hỏi các kiến thức từ các ngành khác nhau như: Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và thậm chí kinh tế và xã hội. Hơn nữa, ngành khoa học môi trường nói chung và công nghệ môi trường nói riêng của Việt Nam khá non trẻ, vì vậy các cán bộ giảng dạy phần lớn được chuyển từ các ngành khác sang, ít nhiều vẫn mang tư duy của ngành mà người ta được đào tạo từ đại học chứ chưa phải tư duy môi trường (theo tôi, giai đoạn quan trọng nhất của người làm khoa học công nghệ là giai đoạn đào tạo đại học, mọi suy nghĩ, thậm chí là “định kiến” bắt đầu từ đây). Đa ngành thì đa ý kiến, vì vậy, khi xây dựng chương trình đào tạo rất khó thống nhất.
Thứ hai, đây là ngành rất ứng dụng, đặc biệt đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, nó lại quá mới và với xuất phát của Việt Nam, có quá nhiều việc phải làm, khi tiềm lực tài chính còn hạn chế nó trở thành lĩnh vực được quan tâm cuối cùng trong mọi quyết định.
Rất may, khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình đã có biến đổi, các Lãnh đạo, các văn kiện của Đảng và Nhà nước đều khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, tư duy phát triển bền vững đã bắt đầu.
PV: Thời gian qua chúng ta đã đưa ra các giải pháp để kiểm soát nguồn thải nhưng tại sao không giảm được tình trạng ô nhiễm không khí mà tình hình lại gia tăng trong những năm gần đây, thưa ông?
PGS.TS Cao Thế Hà: Lý do ít nhiều như chúng ta đều biết đó là vấn đề kinh tế, tư duy và nhận thức. Lý do tiếp theo đó là chúng ta mới bắt đầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được 10 năm. Đất nước còn đang phát triển, tích lũy chưa được bao nhiêu, công việc thì bề bộn, lấy gì để xử lý môi trường? Đó là chưa nói đến tâm lý “mỳ ăn liền”, làm để đối phó, còn khá nặng trong nhiều người.
Tôi đánh giá, về mặt kiểm soát các loại chất thải thì các khu công nghiệp (KCN) tập trung là khá nhất. Tuy chưa được như các nước tiên tiến nhưng các nguồn phát thải lớn đã được kiểm soát khá tốt, phần lớn các KCN có trạm xử lý nước thải, các nhà máy đều có đầu tư kiểm soát khí thải, kiểm soát chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại đã dần đi vào quy củ. Chỉ có điều, định mức tiêu hao tài nguyên, định mức tiêu hao năng lượng, nguồn gốc khí thải và bụi của các công nghệ chưa được xem xét, có thể dẫn đến để lọt những công nghệ không tiên tiến, khó tiếp cận mục tiêu phát triển bền vững. Hiện chúng ta vẫn kiểm soát theo thông số ô nhiễm, chưa đủ, còn phải kiểm soát theo các định mức đầu vào, hy vọng là tương lai sẽ như vậy.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, phức tạp nhất là câu hỏi “ai là chủ nguồn thải và ai phải chịu trách nhiệm?”.
Đầu tiên là khí thải: Do xe máy, do ô tô, do các công trường xây dựng? Ai thải bao nhiêu và sẽ đối phó thế nào? Gần đây lại còn vấn đề bụi, do các nhà máy? Do nông dân đốt rơm rạ? Rất nhiều vấn đề cần giải quyết đồng thời.
Thứ hai là nước thải: Chủ các dự án xây dựng đô thị thì vẫn chỉ áp dụng những công nghệ phổ biến, chỉ có tiêu hao năng lượng, hóa chất, tiền bạc, xử lý đạt chuẩn xong là thải bỏ. Ở châu Âu họ tính, mỗi cư dân đô thị đã mất vài chục Euro/năm để xử lý nước thải và vứt bỏ 85 Euro nếu không thu hồi tài nguyên sẵn có trong nước thải.
Thứ ba là rác thải: Tương tự như bức tranh nước thải, mỗi cư dân đô thị thải ra ~1kg chất thải rắn, con số này sẽ tăng theo dân số và thu nhập (mức sống), hiện chủ yếu là chôn lấp. Lại lãng phí tài nguyên, chưa nói chất thải rắn sinh hoạt đóng góp khoảng 5% khí nhà kính, mà ở COP26 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam sẽ đạt Net Zero Waste vào 2050.
PV: Là người giảng dạy vấn đề này nhiều năm, ông có đánh giá như thế nào về những động thái của các cơ quan chức năng trong việc xử lý môi trường nói chung và giảm thiểu ô nhiễm không khí?
PGS.TS Cao Thế Hà: Chúng ta mới có Luật Bảo vệ môi trường 2020 và có hiệu lực từ 1/1/2022. Ngoài nguyên lý “người thải phải trả tiền”, Luật mới có một chính sách mới, gây rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng phải nghĩ ra cách hợp lý nhất để thực hiện. Đó là nguyên lý “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”- nôm na là nhà sản xuất phải có trách nhiệm với những sản phẩm mà mình thải ra.
Về không khí: Chúng ta vừa có cam kết ở COP26 và chúng ta đã có cam kết phát triển bền vững (17 mục tiêu phát triển bền vững): Phải có chiến lược, kế hoạch thay thế dần nhiên liệu đầu tiên là than, sau đó là dầu mỏ bằng “nhiên liệu xanh”; đồng thời các ngành phải có kế hoạch dần dần chuyển sang “sản xuất xanh”, kiểm toán tất cả các nguồn thải, giảm thiểu tất cả các nguồn thải kể cả bằng thay đổi công nghệ sản xuất lẫn công nghệ xử lý chất thải.
Đô thị cũng phải “Xanh”, không chỉ là về mặt cây xanh, mà còn là năng lượng và công trình, là hệ sinh thái.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông, chúc ông luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục cống hiến cho đất nước trong lĩnh vực môi trường!
Hà Thu