Ban hành kế hoạch trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 11:30, 05/10/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành kế hoạch số 329/KH-UBTVQH15 về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đến năm 2023 hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. 

Đồng thời, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác thẩm tra và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), xác định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Kiểm toán Nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội.

Ngoài ra, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thẩm tra và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án Luật.

Theo kế hoạch, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Trong đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trên cơ sở Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; gửi hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến cơ quan thẩm tra trước ngày 27/9/2022 và gửi đại biểu Quốc hội trước ngày 01/10/2022.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đối với những nội dung liên quan đến lĩnh vực được giao phụ trách. Văn bản tham gia ý kiến (nếu có) gửi về Thường trực Ủy ban Kinh tế trước ngày 10/10/2022.

Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), gửi đại biểu Quốc hội trước ngày 20/10/2022. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi Chính phủ trước ngày 30/11/2022.

Sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau kỳ họp thứ 4 và việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật tại phiên họp thứ 18 (tháng 12/2022). Thời gian lấy ý kiến nhân dân dự kiến trong khoảng từ tháng 1 đến 2/2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo.

Việc lấy ý kiến Nhân dân cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung lớn của dự án Luật, các vấn đề trong quá trình soạn thảo, Quốc hội thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau; các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai được dư luận quan tâm. Có văn bản về các vấn đề lớn xin ý kiến được trình bày dễ hiểu, kèm theo lý lẽ, lập luận; đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau có thể nêu 2 phương án để xin ý kiến, nêu rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án.

Đặc biệt, cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung lớn của dự án Luật, các vấn đề trong quá trình soạn thảo, Quốc hội thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau; các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai được dư luận quan tâm. Có văn bản về các vấn đề lớn xin ý kiến được trình bày dễ hiểu, kèm theo lý lẽ, lập luận; đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau có thể nêu 2 phương án để xin ý kiến, nêu rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án.

Kế hoạch yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...

Thể chế hóa 8 nhóm vấn đề trọng tâm khi sửa Luật Đất đai
Yêu cầu đặt ra đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là thể chế hóa đúng, đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là 8 nhóm vấn đề trọng tâm trong hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được xác định trong Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Cụ thể gồm:
(1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
(2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
(3) Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
(4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất;
(5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai;
(6) Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất;
(7) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp;
(8) Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.

Hoàng Anh