Hà Tĩnh: Tích cực xử lý môi trường, nguồn nước sau khi nước lũ rút

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 12:30, 05/10/2022

Với phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó, các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực phối hợp với địa phương, bà con nhân dân vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Tĩnh, đến hết ngày 2/10, toàn tỉnh có 23 xã, 53 thôn, gần 3.971 hộ, 1.783 giếng và 1.597 công trình vệ sinh bị ngập lụt do đợt mưa lớn vừa qua. Sau khi nước lũ rút, tình hình thời tiết vẫn diễn biến khá phức tạp, ẩm ướt, mưa vẫn chưa dừng hẳn. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, các bệnh về đường hô hấp, phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh.

ha-tinh.jpg
Giám đốc CDC Hà Tĩnh Nguyễn Chí Thanh cùng phòng chuyên môn của đơn vị kiểm tra tình hình ngập lụt tại huyện Vũ Quang. Ảnh Sở Y tế Hà Tĩnh.

Trước vấn đề này, CDC Hà Tĩnh đề nghị Trung tâm y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền và người dân chủ động nguồn lực, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng triển khai hoạt động thu gom rác, vệ sinh môi trường sau lũ lụt.

Hiện, CDC Hà Tĩnh cũng đã cấp 530.000 viên Aquatab, 1.800kg CloraminB, 1.272 chai nước rửa tay, 50.000 khẩu trang y tế cho các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố nhằm chủ động phòng trách dịch bệnh có thể bùng phát.

Ngoài ra, các địa phương, ngành chức năng cũng tổ chức huy động người dân vệ sinh khu dân cư, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, dòng chảy. Đặc biệt là vệ sinh các khu vực có chuồng trại chăn nuôi. Đồng thời, bố trí kinh phí để mua hóa chất xử lý môi trường và Cloramin B nhằm kịp thời cấp phát cho người dân vùng ngập lụt xử lý nước. Hướng dẫn nhân dân sửa chữa các giếng nước, bể chứa và khử trùng để chủ động về nguồn nước đảm bảo vệ sinh phục vụ sinh hoạt.

10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung sau mưa bão và lũ lụt của Bộ Y tế:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước;

7. Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.

9. Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Hoàng Anh