Ủy hội Mekong Quốc tế thông qua Hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 14:30, 06/10/2022

Với mục tiêu giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái và cộng đồng dọc theo tuyến đường thủy lớn nhất Đông Nam Á, Ban liên hợp điều hành Ủy hội sông Mekong (MRC) ngày 4/10 đã thông qua một văn kiện quan trọng, trong đó làm rõ các hướng dẫn về cách thiết kế các dự án thủy điện trên sông Mekong.

Ngoài Hướng dẫn thiết kế sơ bộ (PDG) sửa đổi này, Ủy ban Hỗn hợp Ủy hội Mekong Quốc tế cũng đã thông qua Hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới (TbEIA). Do sông Mekong chảy qua 4 nước thành viên Ủy hội Mekong Quốc tế – Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nên bản hướng dẫn này sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của một dự án đối với quốc gia láng giềng.

mekongriverfishing.jpg
Một đoạn sông Mekong. (Nguồn: luxurycruisemekong.com)

Hướng dẫn này cho phép các quốc gia thành viên và các nhà đầu tư có thể thực hiện Đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ủy hội Mekong Quốc tế. Các nước cũng có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của một đập thủy điện hoặc bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng về nguồn nước như sự thay đổi thủy lợi hoặc công trình điều hướng ảnh hưởng đến các vấn đề như dòng chảy, lưu lượng phù sa, chất lượng nước và nghề cá, có thể tác động tiêu cực đến hệ sinh thái sông và các cộng đồng dễ bị tổn thương ở cấp độ xuyên quốc gia hoặc khu vực.

Đánh giá về điều này, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun - Giám đốc điều hành của Ban Thư ký MRC - cho biết 2 hướng dẫn đã chỉ ra chính xác những gì cần làm trong việc giảm thiểu tác động môi trường xuyên biên giới. Ông nêu rõ: “Đây là bước đột phá lịch sử trong hợp tác của MRC sau nhiều năm thảo luận. Các thành viên sẽ thấy hướng dẫn có lợi như thế nào, không chỉ đối với quốc gia của họ và cộng đồng địa phương, mà còn trong việc làm việc cùng với các nước láng giềng của họ".

TbEIA bắt đầu được đưa vào thảo luận từ năm 2004, khi thuật ngữ "Xuyên biên giới" được thêm vào để thừa nhận rằng không có vấn đề nào liên quan đến sông chỉ giới hạn ở biên giới của một quốc gia. Kể từ đó, TbEIA đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc họp và tham vấn cấp khu vực và quốc gia.

Không chỉ TbEIA, Hướng dẫn thiết kế sơ bộ các công trình thủy điện cũng đã trải qua một quá trình dài đàm phán và làm rõ. PDG đầu tiên được phê duyệt vào năm 2009, phù hợp với cam kết ban đầu của mỗi nước đối với Hiệp định Mekong 1995.

Tuy nhiên, trong những năm qua, các bên liên quan đã xác định được những "khoảng trống" trong PDG cũng là những vấn đề xuyên quốc gia gồm thủy văn, thủy lực và các cộng đồng ven sông và sinh kế dựa vào sông, điều có ý nghĩa đối với hàng triệu gia đình đánh cá và nông dân phải dựa vào sông Mekong để kiếm sống hằng ngày.

Theo MRC, PDG 2022 là kết quả của 4 năm thảo luận, kết hợp các bài học kinh nghiệm của MRC trong thập kỷ qua, cũng như các thông lệ quốc tế tốt nhất về cách đạt được sự cân bằng phù hợp. Theo đó, đối với các dự án thủy điện hiện tại, PDG cập nhật có thể cung cấp hướng dẫn cho các hoạt động. Đối với các dự án sắp triển khai, nó có thể đưa ra hướng dẫn thiết kế tốt, cộng với các biện pháp giảm thiểu hiệu quả liên quan đến xây dựng và vận hành.

Đánh giá về PDG 2022, Tiến sĩ Kittikhoun cho biết: “PDG 2022 đang hướng chúng tôi đến những dự án vừa hiệu quả về mặt kinh tế vừa thân thiện với môi trường. Bảo vệ nhiều hơn các nguồn tài nguyên của con sông, đồng thời bảo vệ sinh kế của người dân".

Ủy ban liên hợp MRC họp 2 lần/năm để thảo luận về các vấn đề quản lý, tổ chức và hợp tác.